Vì sức khỏe của người sản xuất và cộng đồng: Tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản
Xác định năm 2017 là năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên lĩnh vực nông nghiệp, ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) gắn với việc đảm bảo VSATTP nông, lâm, thủy sản (NLTS), góp phần đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và cộng đồng.
Nhiều sản phẩm VSATTP có mặt trên thị trường
Khi đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, người dân quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng sản phẩm đảm bảo VSATTP. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp (DN) và nông dân SXKD các các mặt hàng NLTS cũng ý thức được tầm quan trọng của VSATTP đối với sức khỏe của chính mình và cộng đồng, nên đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa theo hướng “sạch” hơn, an toàn hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Ngành Nông nghiệp tỉnh công bố và trao giấy chứng nhận điểm bán sản phẩm NLTS an toàn.
Tại xã Phước Hiệp (Tuy Phước) và thị trấn Phú Phong (Tây Sơn), với sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp thông qua Dự án Sinh kế nông thôn bền vững do Chính phủ New Zealand tài trợ, trên 100 nông dân đã áp dụng thành công quy trình sản xuất rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm làm ra được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận RAT theo tiêu chuẩn VietGAP và được nhiều đơn vị ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTXNN Phước Hiệp, cho biết: Quá trình sản xuất RAT, các thành viên HTX đều phải sử dụng phân bón có trong danh mục được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý; nước tưới cho rau và xử lý sau thu hoạch đều thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo VSATTP. Tất cả các hoạt động đầu tư, chăm sóc rau đều được ghi chép trong sổ nhật ký. Hiện sản phẩm của HTX được bán tại các siêu thị trong tỉnh, trong các chợ và ở TP Quy Nhơn với giá bán cao hơn từ 10-15% so với giá rau cùng loại sản xuất theo phương pháp truyền thống. HTX đang mở rộng diện tích sản xuất RAT lên 7,8 ha, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, mở thêm nhiều điểm bán rau, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng thu nhập cho hộ xã viên và HTX.
Trên lĩnh vực SXKD các mặt hàng thực phẩm thủy sản, có nhiều DN, chủ cơ sở đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, tạo ra các sản phẩm VSATTP được người tiêu dùng đón nhận. Bà Trần Thị Như Hoa, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Như Hoa, ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), cho biết: “Vấn đề VSATTP đã được chúng tôi thực hiện xuyên suốt từ khâu chọn nguyên liệu ban đầu đến khâu chế biến, đóng chai. Hiện cơ sở chế biến nước mắm của tôi có 40 hồ ướp cá, mỗi hồ ướp được 30 tấn cá/lượt đã được ngành chức năng của tỉnh cấp giấy chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo quy định của Bộ NN&PTNT. Hiện sản phẩm nước mắm Như Hoa được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường”.
Ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Qua các đợt kiểm tra, ngành Nông nghiệp đã tư vấn, hướng dẫn các cơ sở SXKD các mặt hàng NLTS thực hiện các quy định, tiêu chí về VSATTP, đồng thời tổ chức trao giấy chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo quy định của Bộ NN&PTNT cho các cơ sở. Đến nay, có 199 cơ sở chế biến, bảo quản và hàng trăm sản phẩm NLTS đã được Chi cục trao giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Tăng cường quản lý chất lượng NLTS
Năm 2017 là năm cao điểm hành động về VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý VSATTP; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong SXKD nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP cho các tổ chức, cá nhân SXKD nông sản, thực phẩm, phấn đấu đến cuối năm 2017, tỉ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc BVTV trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản và ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 10% so với năm 2016. Tỉ lệ cơ sở SXKD NLTS được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện ATTP được nâng hạng A, B tăng 10%; tiếp tục nhân rộng chuỗi cung ứng thực phẩm NLTS an toàn.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Bên cạnh công tác tuyên truyền, Sở sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân SXKD NLTS không sử dụng chất cấm hoặc lạm dụng thuốc BVTV, thuốc thú y, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia ngoài danh mục cho phép; đồng thời thiết lập và áp dụng thực hành sản xuất tốt (GAP, GMP). Giao các đơn vị trực thuộc lấy 300 mẫu rau, quả; 166 mẫu thức ăn chăn nuôi, thịt heo, mẫu nguyên liệu nem chả; 380 mẫu thủy sản khai thác, tôm nuôi, thủy sản khô… tại các địa phương trong tỉnh để giám sát, cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý nghiêm đối với sản phẩm, cơ sở SXKD vi phạm các quy định về VSATTP.
Nhằm nâng cao năng lực quản lý chất lượng NLTS, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra, phân loại cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp và NTTS; phối hợp với ngành chức năng phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, hóa chất, kháng sinh, phân bón, thuốc BVTV ngoài danh mục. Cập nhật, công khai và thông tin kết quả phân loại các cơ sở SXKD NLTS và kết quả giám sát, xử lý vi phạm cũng như các gương điển hình tiên tiến, điểm bày bán sản phẩm an toàn có xác nhận. Xây dựng thêm nhiều điểm cung ứng sản phẩm nông sản an toàn và cấp giấy xác nhận chuỗi sản phẩm cung ứng thực phẩm an toàn, đồng thời công khai nơi bày bán sản phẩm an toàn để người dân biết, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
PHẠM TIẾN SỸ