Lợi ích nào khi khách hàng lựa chọn chứng chỉ tiền gửi?
Thời gian gần đây, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đưa ra hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) với các gói trung và dài hạn. Đặc điểm của CCTG là mức lãi suất cao hơn hẳn so với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, nên thu hút được nhiều người dân có nguồn tiền nhàn rỗi.
Giao dịch viên của VPBank tư vấn cho khách hàng lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Hình thức “tiết kiệm” mới
CCTG là một loại sản phẩm do ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân. Tại Việt Nam, CCTG mới chỉ xuất hiện những năm gần đây và chưa được phổ biến rộng rãi. Ngoài việc huy động nguồn vốn từ cá nhân, tổ chức kinh tế thông qua những hình thức quen thuộc như: Tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành các loại giấy tờ có giá,… thì CCTG cũng là một trong những sản phẩm huy động được các ngân hàng ưu tiên sử dụng. Việc phát hành CCTG với lãi suất cao thực chất là cách để các ngân hàng thu hút nguồn tiền nhàn rỗi nhằm cơ cấu lại nguồn vốn huy động và chuẩn bị cho năm tài chính 2017. Đây cũng là cách để các ngân hàng bổ sung thêm vốn dài hạn khi quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 50% có hiệu lực từ đầu năm 2017. Bên cạnh việc có lãi suất cao hơn so với hình thức gửi tiết kiệm thông thường thì CCTG cũng có yêu cầu đặc biệt đi kèm đó là khoảng thời gian đáo hạn dài hơn (tối thiểu ở mức 6 tháng). Ngoài ra, nếu rút tiền trước thời gian đáo hạn của CCTG, mức lãi suất mà khách hàng được hưởng sẽ thấp hơn nhiều so với gửi tiết kiệm thông thường.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, CCTG ghi danh dài hạn là sản phẩm huy động tiền gửi dài hạn của VPBank. Sản phẩm này hiện đang được phát hành ở các kỳ hạn 18, 24, 36 và 60 tháng với những hình thức trả lãi: Trả lãi cuối kỳ, trả lãi định kỳ 1 tháng/lần và trả lãi định kỳ 3 tháng/lần. Trong đó mức lãi suất cao nhất đang được áp dụng là 8,9%/năm cho thời hạn 5 năm với số tiền từ 10 tỷ đồng trở lên. Đối với khách hàng gửi theo hình thức CCTG ghi danh tại VPBank, khi có nhu cầu thanh toán trước hạn, khách hàng phải thông báo trước cho VPBank ít nhất 3 ngày làm việc và hưởng mức lãi suất không kỳ hạn. Trong trường hợp, khách hàng muốn dùng CCTG để thế chấp vay vốn, VPBank áp dụng chương trình lãi suất vay ưu đãi cầm cố bằng CCTG ghi danh như sau: Lãi suất cho vay bằng lãi suất trên CCTG được quy đổi theo hình thức trả lãi cuối kỳ cộng với biên độ tương ứng của thời gian vay.
Cân nhắc lựa chọn
Cùng xem xét mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trên thị trường, có thể thấy, nếu mua CCTG, khách hàng sẽ có lợi hơn so với gửi tiết kiệm. Cụ thể, với số tiền 100 triệu đồng, nếu khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng rồi sau đó tiếp tục gửi trong 5 năm liền, thì mỗi năm sẽ hưởng mức lãi suất bình quân khoảng 6,5%-7%. Còn nếu mua CCTG gửi kỳ hạn 5 năm thì khách hàng được hưởng lãi suất xấp xỉ mức 8,7%/năm. Theo Tiến sĩ Lê Thanh Tâm, Trưởng Bộ môn Ngân hàng Thương mại, Viện Ngân hàng-Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, CCTG là sản phẩm tốt và người dân nếu có nguồn tiền nhàn rỗi thì nên tham gia. Tuy nhiên, cần lựa chọn mức thời gian đáo hạn hợp lý nhằm tránh việc rút tiền trước hạn (sẽ hưởng mức lãi suất không kỳ hạn rất thấp) hoặc thế chấp cho ngân hàng để vay lại với chi phí cao.
Qua khảo sát tại một số ngân hàng trên thị trường như: Sacombank, VIB, VietABank…, được biết các ngân hàng này đã tạm dừng phát hành CCTG do đạt mức huy động vốn cần thiết. Nhìn chung, thị trường đón nhận sản phẩm này với thái độ tích cực, nên chỉ trong khoảng thời gian một tháng, CCTG đã được các nhà đầu tư mua hết. Vốn là khách hàng thường xuyên giao dịch với các ngân hàng, chị Hoàng Hồng Trà ở Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: "Tôi có số tiền nhàn rỗi và trong tương lai cũng chưa có kế hoạch gì nên lựa chọn hình thức CCTG để được hưởng mức lãi suất cao nhất. Tuy nhiên, khi lựa chọn, khác hàng cần nghiên cứu kỹ để mang lại sự chủ động và tối đa hóa lợi ích cho mình...".
Theo NGUYỄN ANH VIỆT (QĐND)