Mỹ vẫn phải dựa vào Trung Quốc để kiểm soát Triều Tiên
Sau những tuyên bố cứng rắn mới đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng cũng cho thấy chính sách Triều Tiên vẫn giống như chính quyền tiền nhiệm, đó là: Dựa vào Trung Quốc để kiểm soát Bình Nhưỡng.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ
Đội tàu chiến đấu do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu, mà tuần trước từng gây ra sự hoài nghi về nguy cơ Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên như với Syria, hiện chỉ đang tập trận ngoài khơi bờ biển Úc.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói rằng, đội tàu này “đang trên đường” đến Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, theo những hình ảnh được chụp lại cho thấy, tàu chiến Mỹ đang đến Ấn Độ Dương.
Còn tại Washington, quan chức cấp cao Mỹ bày tỏ hy vọng Bắc kinh sẽ gây sức ép cần thiết về kinh tế và chính trị đối với Bình Nhưỡng, để nước này ngừng các vụ thử hạt nhân.
Hôm 18.4, ông Mattis cho biết, Mỹ sẽ “làm việc chặt chẽ” với Trung Quốc, với mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, ông Trump bày tỏ tin tưởng thế bế tắc sẽ được giải quyết nhờ sự ủng hộ hoàn toàn từ Bắc Kinh, sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước.
Diễu hành tên lửa
Phát biểu trên đài truyền hình Fox News, Tổng thống Mỹ nói rằng, ông dành cho Chủ tịch Trung Quốc một “sự tôn trọng lớn” và rằng, Trung Quốc đã bắt đầu cứng rắn hơn, với lệnh cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên.
Tuy nhiên, nếu Bình Nhưỡng tỏ ra lo lắng về các lệnh trừng phạt quốc tế, thì nước này đã không khẳng định sẽ tiếp tục thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Bằng chứng là cuối tuần trước, Bình Nhưỡng đã bắn thử tên lửa tầm trung nhưng thất bại. Động thái này diễn ra ngay sau màn diễu hành phô trương sức mạnh tên lửa hạt nhân tại thủ đô Bình Nhưỡng.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc cũng đáp trả rằng, bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ nhằm vào Triều Tiên sẽ vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ.
Hiện Mỹ có hơn 28 ngàn quân đang đồn trú tại Hàn Quốc, chưa kể những khí tài của nước này được triển khai trên biển và trên không quanh khu vực Bán đảo Triều Tiên.
Các biện pháp trừng phạt
Các nhà quan sát lâu năm về vấn đề Triều Tiên cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng Triều Tiên bị trừng phạt.
Theo chuyên gia Anthony Ruggiero, Trung Quốc có thể sẽ không gây sức ép đáng kể nào đối với Triều Tiên, cho đến khi các ngân hàng nước này bị trừng phạt vì giao dịch với Bình Nhưỡng.
Hồi tháng 2.2016, Bắc Kinh từng khẳng định cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên, nhưng các hoạt động giao dịch tài chính và thương mại vẫn diễn ra.
Trong trường hợp Trung Quốc không hành động, ông Trump cảnh báo Mỹ và đồng minh sẽ hành động để xử lý vấn đề Triều Tiên.
Bà Susan Thornton, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á, cho biết, dù là giải pháp gì thì Mỹ cũng đã có lựa chọn.
“Chúng tôi (Mỹ) đã quyết định…để gây áp lực tối đa về kinh tế đối với Triều Tiên, nhằm buộc nước này có những bước đi rõ ràng trong việc chấm dứt các chương trình (hạt nhân) phi pháp,” bà Thornton nói.
Lê Quảng (theo AFP)