Bao giờ sẽ… bớt lo?
Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực, nhưng vấn nạn thực phẩm “bẩn” vẫn tràn lan trên thị trường đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng. hiện nay, hàng ngày hàng giờ rất nhiều loại thực phẩm “bẩn” vẫn len lỏi đến từng bữa ăn của các gia đình. Đây thực sự là một nỗi lo của người tiêu dùng, là hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe của người dân trong hiện tại và đe dọa sự phát triển của giống nòi trong tương lai.
Gần đây, người tiêu dùng đã không tránh khỏi bị “sốc” khi các phương tiện truyền thông đăng tin nhiều loại thực phẩm tiêu dùng hàng ngày có sử dụng hóa chất độc hại. Đó là việc sử dụng chất làm trắng quang học tinopal có khả năng gây ung thư để sản xuất các loại thực phẩm tiêu dùng hàng ngày như bánh phở, bún; dùng hóa chất để làm trắng và tạo hương cho gạo; sản xuất cà phê từ các loại hóa chất tạo hương, tạo bọt, tạo vị.... Nếu các sự vụ nguy hại này không bị phát hiện thì chắc chắn đông đảo người tiêu dùng hàng ngày vẫn cứ “vô tư” ăn các loại thức ăn có chứa chất độc mà không hề hay biết.
Mặc dù về mặt quản lý, đã có rất nhiều quy định pháp luật có liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm được ban hành nhưng tình hình vẫn diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp. Các hành vi sản xuất, mua bán thực phẩm độc hại được phát hiện ngày càng nhiều. Điều đó cho thấy vẫn có không ít kẻ hám lợi, bất chấp đạo đức đã không từ một thủ đoạn nào để kinh doanh, làm giàu bất chính, bất chấp hậu quả gây ra cho xã hội.
Cho đến nay, để quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) có đến ba bộ cùng có trách nhiệm. Tuy nhiên, do cách quản lý rời rạc “cắt khúc” bộ nào quản lý khâu nào thì chỉ quan tâm đúng khâu ấy đã làm cho những quy định pháp luật về ATVSTP không phát huy tác dụng. Nếu giữa các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương có một sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả thì thực phẩm “bẩn” sẽ không thể dễ dàng xuất hiện trên thị trường ngày một nhiều, dễ dàng hiện diện trên bàn ăn hằng ngày của người dân như vậy. Đã đến lúc phải khắc phục kiểu quản lý cũ, ai cũng có trách nhiệm, ai cũng có chức năng nhưng tình hình ATVSTP chẳng những không khá lên mà ngày càng lại xấu đi còn hậu quả thì người tiêu dùng phải gánh tất cả!
Mới đây, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP đã lưu ý trong công tác quản lý ATVSTP, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, đặc biệt gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý những đối tượng vi phạm sử dụng chất cấm, tăng cường lực lượng thanh tra để giám sát thị trường một cách chặt chẽ, phát hiện kịp thời những hành vi sản xuất, tiêu thụ các loại thực phẩm độc hại. Hy vọng rằng, với những kinh nghiệm đắt giá từ thực tế đã qua, với quyết tâm mạnh mẽ và sự chỉ đạo quyết liệt hơn, trong thời gian người tiêu dùng sẽ bớt lo hơn, đỡ bất an hơn trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
HẢI ĐĂNG