Dòng sông phố
* Truyện ngắn của NGUYỄN MỸ NỮ
Cảm hứng từ câu hát “Phố vẫn là dòng sông uốn quanh” trong ca khúc “Em còn nhớ hay em đã quên” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Cả hai đứa đều rất mừng khi gặp lại nhau tại Phan Rang. Luân ở Sài Gòn ra và Nhã ở Đà Nẵng vào. Là bạn cũ nhưng còn tình, biết nói như thế nào đây? Hồi còn học thủy sản, đám bạn cứ đồn ầm lên, nào Luân và Nhã đang yêu đương, đích thị là của nhau, dự định sẽ lấy nhau sau khi tốt nghiệp… Nghe xong, hai đứa cũng ra vẻ đồng tình khi nháy mắt cười đồng lõa. Luân hất cao mặt: “Mất gì? Mình vờ vịt thế cho chúng nó tưởng bở chơi”. Và Nhã, nhiệt tình hết sức hùa theo: “Phải đấy! Thế nhé!”.
Chính bởi điều bí mật này mà hai đứa thường xuyên phải đóng kịch khi đang ở giữa đám đông, khi cùng vui chung với mọi người. Thế nên không chỉ với đám bạn, thầy cô trong trường, gia đình và hết thảy người quen kẻ biết, hai đứa đều hành xử một kiểu, y hệt bồ bịch. Rất ra vẻ là chàng và nàng đã thuộc về nhau và đang rất mực đắm say. Để rồi những lúc riêng tư, khi chỉ hai đứa với nhau thì đúng boong là bạn. Nhã luôn xem Luân như một con bạn gái đỏng đảnh của mình; còn với Luân, Nhã quả thật là một thằng bạn rất tốt và thật tồ. Chỉ thế thôi trong suốt mấy năm làm kiếp sinh viên xa nhà.
Chẳng là Luân có gia đình ở Sài Gòn và ba má anh em họ hàng của Nhã đều ở hết ngoài Đà Nẵng. Đấy là địa chỉ thường trú chứ gốc gác của hai nhà thì ngoài Bắc cơ. Cũng bởi vậy, Luân nói giọng bắc lai nam nghe hay hay mà Nhã nói giọng bắc lai tiếng Quảng nghe là lạ. Hai đứa đều mê biển và chọn Nha Trang, chọn một ngành để học và một thành phố để ở dẫu chỉ có mấy năm. Nghe vậy còn có lý, chứ chọn bạn lại là thứ bạn có lẫn lộn với tình, rồi chọn tình lại là một kiểu tình hãy còn vướng víu vào cái nghĩa bạn, sao mà khó thế!
Hai đứa cứ nhập nhằng trong mối quan hệ giữa bạn và bồ suốt mấy năm ròng nhẹ bẫng, thế mà đến ngày tốt nghiệp, lúc phải chia tay lại đâm ra luống cuống đến khổ. Sáng ấy, Nha Trang mưa rất to. Nhã và Luân không dù, chẳng áo mưa, cứ cắm cúi, lẳng lặng đi bên nhau hằng mấy tiếng đồng hồ. Cứ đi chứ đố có đứa nào nói được lấy nửa câu, gọi là lời từ giã đứt vụn, chả bù cho những tháng ngày trước đó: lục xới, khuấy đảo, lấn lướt, xâm phạm đến cuộc sống của nhau sao mà tỉnh bơ. Đến nhà trọ, Nhã chạy vù vào phía sau lấy khăn lau mặt mới hay nước mắt đã trào ra từ khi nào, khéo do những làn gió quất mạnh đấy thôi. Đưa khăn cho Luân lau khô mặt mới thấy mắt Luân cũng đỏ hoe.
* * *
Hai đứa cứ đứng ngây giữa phố nhìn nhau chằm chằm. Phố ở trong này cầu mới là phố - Luân bảo thế. Còn Nhã thì gắt um lên: “Luân chả bỏ được cái tính hay cắt vụn, chia chác mọi thứ ra để mà tán láo. Phố ở đâu mà chả là phố. Cứ vẽ!”. Luân gật gù: “Ừ! Thì vẽ. Đã sao”. Và cứ trong mắt Nhã mà lục tìm. Nhiều nỗi nhớ quá trong mắt Luân khiến Nhã muốn khóc. Thời sinh viên qua rồi. Qua mới một năm mà mắt Luân sao nhiều niềm yêu đến thế. Hai đứa nắm tay nhau, phân vân, giữa phố trong cầu và phố ngoài cầu. Phố trong cầu là Sài Gòn của Luân và phố ngoài cầu là Đà Nẵng của Nhã. Nha Trang là của hai đứa và Phan Rang lại thuộc về chiều này, khi gặp lại. Đang còn dùng dằng chưa kịp cất bước, trời bỗng đổ mưa dữ dội. Luân vẫy tay gọi xích lô và Nhã nhào vội lên xe. Hai đứa ngồi chung, sít gần và ướt mềm mà sao khô ấm. Cứ ngồi và nhìn thẳng ra phía trước, nơi màn mưa trắng xóa chứ chẳng dám nhìn nhau, dù chỉ trong tích tắc. Nhìn mưa bâng quơ và cười với nhau vu vơ. Hay thật! Ra trường đã được một năm mà sao Luân vẫn còn ngố ngố, Nhã thì có khác gì. Nhã nói thích đi bộ và Luân như reo lên vì trúng ý:
- Phải thế chứ! Ai lại ngồi co chân, bó gối tù túng đến thế này.
- Ngồi với Nhã mà Luân dám bảo là ngồi tù túng à?
- Nhã lại… Tự cái xe chứ bộ.
- Tại cái chân Luân dài thì có…
- Ừ! Thì dài. Đã sao…
- Chán phèo chứ sao. Lúc nào cũng đã sao, đã sao!!!
Nghe Nhã nói với cái cách như thế là Luân hiểu ngay đã đến lúc mình nên im lặng để được yên bình. Một cách xử thế chỉ dành riêng cho Nhã đã được Luân áp dụng suốt mấy năm ròng, giờ đem ra dùng lại vẫn rất tốt. Kịp lúc vừa bước tới một cái quán và Luân vội kéo Nhã vào. Sự im lặng ngay lập tức được nhấn chìm và thay thế vào đó bằng vô số lăng xăng như: dáo dác tìm kiếm một chỗ ngồi vừa ý, đổi một cái bàn nhựa sạch sẽ hơn, vội vã hỏi nhau thứ nước uống. Luân chu môi: “Đen nóng” và Nhã nghiêng đầu: “Nâu nóng”. Quán che chắn tạm bợ nên mưa tạt đủ phía, chỗ nào cũng bị dột, đã vậy, lại rất thấp nên chẳng mấy chốc nước đã tràn vào cuốn theo bao nhiêu rác rến, kể cả xác những chiếc thuyền giấy. Những chiếc thuyền được gấp bằng đủ kích cỡ, với rất nhiều màu sắc khác nhau. Bắt chước mấy người trong quán, Nhã và Luân ngồi chồm hổm, thích thú, dõi theo những chiếc thuyền be bé cỏn con dạt trôi lều bều khắp nơi. Uống đến ly nâu và đen thứ ba, hai đứa đành phải rời quán bởi nước đã xấp xỉ đến tận ghế ngồi.
Nắm tay nhau thật chặt, hai đứa lội bì bõm trong nước để ra lại phố. Luân ghé tai Nhã, bảo:
- Phải đi thôi. Đã muốn say rồi.
- Thật đấy! Say cà phê và đói thắt cả ruột. Đói quá.
Luân nghĩ thầm, vẫn thế như thuở sinh viên với những: “Thèm ăn hàng quá, Luân ơi!”, “Nhớ nhà quá, Luân ơi!”, “Hết tiền rồi, Luân ơi!”, “Buồn quá, Luân ơi!”… Tiếng gọi hơi nũng nịu, từ một giọng bắc có lai tiếng Quảng của Nhã nghe sao mà thương đến thế. Ra ngoài phố hai đứa mới hay mưa khiến nhiều ngôi nhà, hàng quán phải đóng cửa và đường sá mất hẳn sự ồn ã, đông vui. Nước mỗi lúc một dâng cao hơn. Nhã và Luân co ro bước bên nhau trên phố vắng, lướt thướt, sát cạnh nhau trong cơn mưa dầm dề. Một cơn mưa dai dẳng đến bất ngờ và những niềm vui rất mới mẻ, lạ lẫm, ùa đến tâm hồn hai đứa cũng thật bất ngờ. Có đôi lúc trong tâm trạng chếnh choáng, không đừng được, Nhã hoặc Luân đã lao ra giữa đường, hét toáng lên: “Thích quá!”.
Lúc người và xe dày kịt, phố phường như chật lại. Lúc vắng vẻ, phố như rộng hẳn ra. Lênh láng những nước là nước. Phố mênh mang và phố thênh thang. Phố như thể là một dòng sông - dặc dài và trắng xóa - dưới mưa. Một dòng sông có đôi bờ là nhà, quán, chợ… và duy nhất giữa dòng là hai con thuyền bé tẹo, níu vào nhau, cứ thế trôi…
N.M.N