Rút ruột tài nguyên khoáng sản: Cho đến bao giờ?
Hiện nay, ở tỉnh ta, xuất hiện tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, tràn lan, khiến tài nguyên cạn kiệt, tác động đến môi trường không hề nhỏ. Làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
Bài 2: Thả nổi công tác quản lý
Dù UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển đất trái phép, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra tràn lan, lộn xộn. Làm gì để ngăn chặn và hạn chế tình trạng này?
Lòng sông Lại lồi lõm, biến dạng sau thời gian nạn “cát tặc” tung hoành. Ảnh: TRỌNG LỢI
Vi phạm nhiều, xử lý bao nhiêu?
Để được “chính danh” khai thác đất, nhiều cá nhân, đơn vị “bắt tay” với lãnh đạo tại một số xã, huyện thực hiện công tác “cải tạo đồng ruộng”, “cải tạo mặt bằng” đất nông nghiệp hoặc lấy đất tại các khu vực gò, đồi phục vụ san lấp công trình địa phương. Hình thức này được thực hiện thông qua việc UBND huyện cho chủ trương, sau đó giao UBND xã đứng ra hợp đồng với cá nhân, đơn vị thực hiện “cải tạo”. Có được “bùa” hợp đồng, hoạt động rút ruột tài nguyên diễn ra một cách công khai vì đã “danh chính ngôn thuận”. Trong khi đó, tại địa phương nơi diễn ra hoạt động cải tạo đất buông lỏng kiểm tra, giám sát; bỏ ngỏ việc yêu cầu cá nhân, đơn vị thực hiện cải tạo đất hoàn chỉnh hồ sơ đánh giá tác động môi trường, đăng ký khối lượng đất khai thác, vận chuyển.
Bộ phận nào lơ là sẽ bị xử lý
“Ðể xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước, còn cơ quan chức năng của huyện, của tỉnh cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Bộ phận nào lơ là sẽ bị xử lý. Cá nhân hoặc doanh nghiệp nào khai thác trái phép phải bị xử lý kiên quyết theo quy định pháp luật. Ðịa phương nào để xảy ra khai thác đất, cát thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu
Ðể tái diễn quá lâu sẽ phân tầng lợi ích
Việc khai thác khoáng sản trái phép nếu không xử lý mà để tình trạng tái diễn quá lâu, sẽ phân tầng tạo lợi ích, giống như một tổ chức mang tính chất buôn lậu, rất phức tạp khi xử lý và có khả năng xảy ra tranh chấp. Chính quyền địa phương, cơ quan ban ngành cần vào cuộc quyết liệt xử lý kịp thời ngay từ đầu... đừng để xảy ra thành điểm nóng, sẽ dẫn đến tình trạng có “mafia” trong việc khai thác tài nguyên. Việc UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an tổ chức truy quét, xử lý nạn khai thác đất, cát trái phép là giải pháp cương quyết, cần thiết để trấn áp các đối tượng vi phạm.
Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT
Hoạt động khai thác, vận chuyển đất “chính danh” lẫn tự phát đã và đang diễn ra nhiều nơi với mức độ ngày càng tăng, nhưng chính quyền các địa phương chưa thật sự sâu sát trong việc kiểm tra, giám sát. Không ít lần dân địa phương, dư luận đặt câu hỏi, có “sân sau” nào “đỡ” thì vấn nạn này mới diễn ra tràn lan, ngang nhiên đến như vậy?
Việc nghi ngờ này không phải không có cơ sở. Bởi, đã có rất nhiều trường hợp, khi PV liên hệ với địa phương để phản ảnh hoạt động khai thác đất trái phép, thì đa phần lãnh đạo (cấp xã, huyện) hoặc tỏ ra bất ngờ, hoặc cho rằng khó kiểm tra, xử lý vì các đối tượng lén lút hoạt động; hoặc là kẻ chỉ qua, người chỉ lại. Hầu hết đều khẳng định sẽ kiểm tra, xử lý tình trạng tận thu khoáng sản; tuy nhiên, xử lý đến đâu, ở mức độ nào, lại không thấy câu trả lời cụ thể.
Thậm chí, dù văn bản UBND tỉnh ban hành đã nêu rõ, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì Chủ tịch UBND cấp xã, huyện phải chịu trách nhiệm. Rồi thì sau khi báo phản ánh, cũng đã có rất nhiều tổ công tác từ huyện đến tỉnh về thanh tra, kiểm tra thực tế nơi vi phạm. Nhưng kết quả xử lý thì: “Từ trước đến nay, chưa có trường hợp người đứng đầu cấp xã, huyện bị kiểm điểm, xử lý, dù thực tế địa phương đó có xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Đúng là có tình trạng một số trường hợp cải tạo đồng ruộng, sau đó vận chuyển đất đi bán tại các lò sản xuất gạch. Nhưng, từ trước đến nay, Sở TN-MT cũng chưa xử lý trường hợp nào. Lý do, dù biết họ vận chuyển đi bán, nhưng không thể “bắt tận tay, day tận cánh”; hơn nữa, muốn xử phạt phải qua nhiều thủ tục nên khó xử lý (!?)”- Phó Giám đốc Sở TN-MT Huỳnh Quang Vinh thừa nhận.
Máy đào túc trực tại khu vực đất đồi đang trồng keo tại xã An Tân (huyện An Lão) để sẵn sàng múc đất. Ảnh: CÔNG LUẬN
Từ năm 2017, cấp phép khai thác cát chỉ còn 2 năm
Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu khi trả lời P.V Báo Bình Định qua điện thoại vào sáng 17.4 về chủ trương sắp tới của tỉnh nhằm hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh xác nhận: “Bốn con sông lớn của tỉnh là Hà Thanh, sông Côn, sông Lại và La Tinh đều xảy ra rải rác tình trạng khai thác cát trái phép. Tuần rồi, tôi đã trực tiếp đi kiểm tra tại huyện Phù Mỹ và huyện Phù Cát - 2 địa phương tôi nhận được không ít phản ảnh của người dân về việc này. Tại Phù Mỹ, 3 xã Mỹ Hiệp, Mỹ An và Mỹ Tài là nơi để xảy ra hiện tượng khai thác trái phép tương đối nhiều. Tôi đã chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ tịch UBND 3 xã vì để xảy ra việc khai thác cát trái phép mà không xử lý, hoặc không báo cáo kịp thời cho cấp trên để có hướng chỉ đạo xử lý kịp thời”.
Phó Chủ tịch tỉnh cũng khẳng định: “Các giấy phép khai thác cát được cấp phép trước đây có thời gian cho khai thác tương đối dài. Vì vậy, từ năm 2017 trở đi, giấy phép khai thác chỉ cho phép khai thác trong
2 năm. Riêng về cải tạo đồng ruộng, trước khi thực hiện, UBND xã phải yêu cầu đơn vị thực hiện lập đề án trình UBND huyện. Sau khi huyện xem xét xong sẽ trình lên UBND tỉnh xin chủ trương kèm theo đề án đánh giá cụ thể tác động môi trường. Nếu đảm bảo theo quy định, tỉnh mới cho phép thực hiện. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện cải tạo đồng ruộng nhưng làm không đúng trình tự thủ tục. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo chấn chỉnh việc này”.
Tang vật khai thác cát trái phép được tổ công tác của huyện Tuy Phước tịch thu. Ảnh: TRỌNG LỢI
“Hiện đang vào mùa cao điểm xây dựng, nhu cầu cát xây dựng rất lớn, nên tình trạng khai thác cát trái phép trong thời gian tới sẽ còn diễn ra. Để ngăn chặn, giải quyết kịp thời tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Công an tỉnh vào cuộc điều tra, truy quét, xử lý các đối tượng vi phạm. Đối với nạn khai thác đất sét trái phép, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương, ngành chức năng có liên quan vào cuộc, khẩn trương kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, xử lý”- Phó Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Quang Vinh cho biết thêm, thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch “Lập phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác” với sự tham gia của nhiều cấp ngành, địa phương liên quan thực hiện nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, xử lý khai thác khoáng sản trái phép.
Cần giám sát chặt chẽ quá trình lấy cát
“Ngành chức năng, chính quyền có liên quan cần giám sát chặt chẽ quá trình lấy cát đối với các đơn vị được cấp phép trên các sông; xử lý kiên quyết các hành vi khai thác cát trái phép, nhất là trong phạm vi hoạt động của công trình. Quy trách nhiệm rõ ràng đối với sở, ngành, địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát vượt giới hạn cho phép, gây hậu quả tai hại cho môi trường sinh thái các dòng sông. Về lâu dài, Sở TN-MT phối hợp với đơn vị chức năng cần rà soát, đánh giá lại hoạt động lấy cát trên sông nhằm đảm bảo cho các công trình đập hoạt động an toàn”.
Ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT
TRỌNG LỢI - CÔNG LUẬN