“Nhạc công” kèn Ðội: Hơn cả một nhiệm vụ
Kể từ khi được chọn vào đội trống, kèn Ðội của trường (thường được gọi chung là đội kèn Ðội), hai nhạc cụ này cũng trở nên gắn bó với những “nhạc công” nhí. Từ chỗ thực hiện nhiệm vụ, biểu diễn trống, kèn dần trở thành niềm yêu thích, say mê của không ít học sinh.
Đội kèn Trường THCS Võ Xán vinh dự được chọn biểu diễn tại nhiều sự kiện quan trọng trong tỉnh.
- Trong ảnh: Biểu diễn tại Lễ khai mạc vòng chung kết Giải bóng đá U19 quốc gia năm 2017 tại Sân vận động Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU
Tự hào là “nhạc công” kèn Ðội
Nguyễn Thành Tín, lớp 7A4, Trường THCS Võ Xán (TT Phú Phong, huyện Tây Sơn) là thành viên nổi trội ở mảng kèn của đội kèn trường này. Tín bắt đầu tiếp xúc với kèn khi vào lớp 6, qua lần trường thử năng khiếu để chọn người tham gia vào đội kèn của trường.
Theo nhạc công Nguyễn Hồng Nam - người dạy kèn cho trường này, Tín có khả năng tiếp nhận nhạy bén, tinh tế, chơi kèn không chỉ chuẩn phong cách kèn Đội mà còn mang tính biểu diễn cao nếu theo đuổi năng khiếu lâu dài, chuyên sâu. Mảng kèn có 19 người, em là 1 trong 3 thành viên phụ trách bè phức điệu, bộ phận được xem là khó nhất.
“Nhớ lại những ngày đầu tập sao mà khó khăn, thổi ra toàn những âm thanh vô nghĩa và gây ồn. Nhưng khi chinh phục được kèn, cảm giác rất tuyệt! Được đánh giá là đội kèn mạnh của tỉnh, vinh dự được chọn đi biểu diễn, phục vụ tại nhiều sự kiện quan trọng trong tỉnh như Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Lễ khai mạc vòng chung kết Giải bóng đá U19 quốc gia năm 2017, chúng em rất vui và tự hào” - Tín phấn khởi nói.
Trước năm học 2016 - 2017, Trường THCS Ngô Mây (TP Quy Nhơn) chưa có đội kèn. Trở ngại lớn nhất là không có người biết để dạy lại cho học sinh. Tháng 6.2016, trường quyết tâm gầy dựng cho được đội kèn, cử Tổng phụ trách tham gia lớp tập huấn kèn Đội do Tỉnh Đoàn tổ chức. Sau lớp tập huấn kéo dài chỉ 5 ngày, Tổng phụ trách Phạm Văn Phụng bắt tay ngay vào việc, với mục tiêu: còn hơn 2 tháng, đội kèn của trường phải thổi được kèn mừng ngày khai giảng!
Thầy Phụng và hơn 30 học sinh được chọn tham gia đội kèn không có mùa hè. Đổi lại, đó là mùa hè hào hứng khám phá và thích thú trải nghiệm cùng âm thanh rộn ràng đặc trưng của kèn Đội.
Tháng 3.2017, tham gia Hội thi “Tiếng kèn Đội ta” cấp thành phố, đội kèn Trường THCS Ngô Mây bất ngờ đoạt giải Nhất! “Nếu không có sự yêu thích, hăng hái tham gia và nỗ lực tập luyện của chính các em, dù thầy có tâm huyết đến mấy, cũng không thể mang lại hiệu quả như vậy ở lần đầu tiên triển khai xây dựng”, thầy Phạm Văn Phụng khẳng định.
Tuy Phước là địa phương mạnh về kèn Đội, trong đó, nổi bật là Trường THCS thị trấn Tuy Phước - có đến 4 đội kèn cho mỗi khối lớp. Điểm thú vị ở các đội kèn Tuy Phước là ở mảng kèn chiếm đa số là nữ sinh (ở hầu hết các địa phương khác, tham gia mảng này thường là nam sinh, với ưu thế thể lực tốt hơn). Có thể kể đến những gương mặt nổi trội như: Đặng Huỳnh Như, Nguyễn Khánh Linh, Lê Cẩm Viên, Trần Đoàn Nhật Lựu, Lê Phương Uyên…
“Ngoài luân phiên phục vụ tại lễ chào cờ hàng tuần, định kỳ vào thứ 5 hàng tuần, các đội tự sinh hoạt, luyện kèn, rã bài mới… Có những lúc tôi bận, không trực tiếp hướng dẫn song các em rất tự giác, tập luyện nghiêm túc. Chỉ có thật sự yêu thích thì mới làm được như vậy và giữ được truyền thống thành tích về kèn Đội của trường mỗi khi tham gia các sân chơi dành cho bộ môn này”, Tổng phụ trách Nguyễn Đức Thiên cho biết.
Nuôi dưỡng một năng khiếu nghệ thuật
Trước khi trở thành chỉ huy đội kèn Trường THCS Ngô Mây, Nguyễn Lê Tuấn Kiệt, lớp 8A5, là một tay kèn rất cừ. Yêu thích và có ý thức tự giác luyện tập, không chỉ tập cùng các bạn trên trường, Kiệt còn xin phép trường được mang chiếc trumpet quen thuộc về nhà để tự luyện. “Tuy mới tập kèn vài tháng thì nhận nhiệm vụ khác nhưng khi có cơ hội, em đều chủ động tập, diễn vì không muốn quên những bài kèn đã học. Hơn nữa, chơi kèn với em còn là một cách giải trí, thư giãn hiệu quả, bổ ích”, Tuấn Kiệt cho biết.
Theo nhiều Tổng phụ trách, một trở ngại lớn cho việc thành lập, duy trì ổn định các đội kèn là sự không ủng hộ của phụ huynh, ngại cho con tham gia các hoạt động phong trào vì sợ ảnh hưởng đến thời gian học. Với thâm niên và kinh nghiệm gần 20 năm dạy kèn Đội của mình, nhạc công Hồng Nam luôn cảm thấy tiếc, trăn trở vì nhiều em rất có năng khiếu, yêu thích thật sự, muốn học chuyên sâu hơn, mang tính biểu diễn, học thêm một số loại kèn khác… nhưng đều không thể phát triển hạt nhân vì “ba mẹ không cho”.
“Tính ra lâu nay cả nhà trường, người dạy và nhất là các em, đều mất thời gian, tâm sức cho việc tập trống, luyện kèn, nhưng nếu chỉ phục vụ cho vài năm học cấp 2, cho hoạt động kèn Đội, có lẽ hơi bị lãng phí. Nếu có thể tận dụng để phục vụ văn nghệ học đường và rộng hơn là văn nghệ quần chúng thì tốt quá. Nhưng trước hết, quý vị phụ huynh nên thấy việc tham gia kèn Đội còn là cách giúp con cân bằng đời sống tinh thần, bồi dưỡng tâm hồn”, nhạc công Hồng Nam trăn trở.
Mẹ của Tuấn Kiệt, chị Lê Thị Mỹ Liên tâm sự, vợ chồng chị luôn định hướng và khuyến khích con tham gia các hoạt động xã hội, thể chất hay bộ môn nghệ thuật phù hợp để rèn luyện sức khỏe, bồi dưỡng tâm hồn. “Kết quả học tập là rất quan trọng nhưng đích vẫn là nhân cách tốt và thẩm mỹ đúng đắn, chính vì tin tưởng vào tác động tích cực của nghệ thuật mà tôi rất ủng hộ, yên tâm khi Kiệt tham gia kèn Đội”, chị Liên bày tỏ.
SAO LY