Khảo sát về hứng thú đọc sách ở học sinh tiểu học tại Quy Nhơn: Nhiều thông tin thú vị
Một nhóm sinh viên năm thứ ba ngành Giáo dục tiểu học, Trường Ðại học Quy Nhơn vừa hoàn thành việc khảo sát về hứng thú đọc sách của học sinh tiểu học trên địa bàn TP Quy Nhơn. Kết quả từ cuộc khảo sát này hé ra nhiều thông tin thú vị.
Cuộc khảo sát thực hiện bằng phiếu với 500 học sinh Trường Tiểu học Trần Phú và Lê Hồng Phong. Ngoài ra, nhóm còn đến tìm hiểu tại Thư viện tỉnh Bình Định, nhà sách Fahasa và gia đình một số học sinh.
Ghi nhận đầu tiên của nhóm là các em học sinh tiểu học rất thích đọc sách. Khi được tiếp xúc với một quyển sách mới, các em tỏ ra hào hứng, đọc ngay. Nếu sách hay, các em sẽ đọc kỹ; còn ngược lại, sẽ nhanh chóng bỏ qua.
Hoạt động đọc sách ở các em diễn ra không thường xuyên do việc học tập ở trường chiếm phần lớn thời gian. Chỉ vào những ngày cuối tuần, các em mới có thể đến thư viện hoặc các nhà sách trong khu vực siêu thị. Ở đó, các em được tiếp xúc với nguồn sách vở phong phú, được thoải mái lựa chọn theo ý thích của bản thân.
Loại sách mà các em đọc nhiều là sách truyện, phần lớn là truyện tranh. Trong đó, truyện tranh là thể loại được các em đọc nhiều nhất. Vì thế, khi hỏi đến những bộ truyện như “Doraemon”, “Pokemon”, “Shin cậu bé bút chì” (Nhật Bản), “Thần đồng đất Việt” (Việt Nam)…, hầu hết các em đều biết và có thể kể lại một cách hào hứng. Với hệ thống hình ảnh đẹp, ngôn từ ngắn gọn, truyện tranh đem lại cho các em cảm giác nhẹ nhàng, vui vẻ.
Ngược lại, với mảng truyện chữ - điển hình là những tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam nổi tiếng như “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), “Quê nội” (Võ Quảng), “Đất rừng phương Nam” (Đoàn Giỏi), “Chuyện hoa, chuyện quả” (Phạm Hổ), “Góc sân và khoảng trời” (Trần Đăng Khoa)… - hiểu biết của các em rất hạn chế, thậm chí nhiều em chưa một lần nghe tên.
Hứng thú đọc sách thể hiện rất mạnh ở các học sinh khối lớp 2. Dễ lý giải chuyện này bởi ở khối lớp 2, học sinh đã bắt đầu biết đọc thành thạo. Ở lớp 4, học sinh có xu hướng đọc mở rộng sang các sách lịch sử, khoa học; tỏ ra yêu thích các nhân vật có sự nghiệp lớn trong nghiên cứu, lao động, kinh doanh... Các em cũng thích truyện phiêu lưu, cảm thấy bản thân như được đặt tham gia vào các thử thách, chinh phục những miền đất mới.
Nhìn chung, học sinh tiểu học không quay lưng lại với sách. Các em chỉ chưa đạt được khả năng đọc sách một cách chủ động, còn phụ thuộc vào nguồn sách do người lớn cung cấp. Mặt khác, quá trình đọc sách của các em cũng chưa có được sự tương tác, định hướng cần thiết với cha mẹ, thầy cô.
So với gia đình, nhà trường và thư viện có điều kiện hơn trong việc tổ chức cho các em đọc sách. Nhưng để hoạt động này diễn ra thường xuyên, tạo thành thói quen tốt cho các em thì vẫn cần mạnh dạn đổi mới, xây dựng thêm nhiều hình thức giới thiệu sách, đọc sách theo hướng đa dạng.
Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, mô hình Thư viện xanh là một kinh nghiệm tốt. Thư viện này, hàng ngày, thu hút đông đảo học sinh đến với sách vào giờ ra chơi. Giữa không gian thoáng đãng, nhiều màu xanh của cây lá, học sinh có được những trải nghiệm thú vị cùng trang sách. Một lối ra khác là giờ dạy học Kể chuyện: có thể cho phép giáo viên, học sinh lựa chọn những văn bản truyện kể hay hơn, giàu ý nghĩa hơn ngoài những gì mà sách “Truyện đọc” cung cấp.
LÊ NHẬT KÝ