Còn cơ hội thay đổi nguyện vọng
Hôm nay, ngày 20.4, là hạn cuối cùng cho các thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017. Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo, trong tổng số hơn 800 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp khoa học xã hội có phần nhỉnh hơn so với bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên. Thí sinh không được thay đổi thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký, song vẫn còn cơ hội thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi THPT quốc gia.
Thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học cao đẳng, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Viết Thành
Bảo đảm quyền lợi dự thi
Năm 2017, Hà Nội có hơn 200 trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có thí sinh (TS) đăng ký dự thi (ĐKDT) THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Ghi nhận từ các đơn vị cho thấy, mặc dù Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) có nhiều điều chỉnh trong cách đăng ký, song công tác thu nhận hồ sơ ĐKDT diễn ra cơ bản suôn sẻ. Quy trình chung tại nhiều trường THPT như chuyên Nguyễn Huệ, Phan Huy Chú, Vân Tảo, Phúc Lợi, Yên Hòa, Chương Mỹ A… là quy định cho học sinh các lớp nộp hồ sơ theo ngày, sau đó tổng hợp và tổ chức cho các em rà soát lại hồ sơ, đặc biệt là về nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ, từ đó hạn chế được nhiều sai sót. Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi TS đủ điều kiện, có nguyện vọng đều được ĐKDT, bảo đảm quyền lợi dự thi cho TS. Với học sinh đang học lớp 12, việc ĐKDT cơ bản thuận lợi vì các em nộp ngay tại trường, tuy nhiên, với TS tự do thì có phần khác biệt. Hà Nội bố trí 30 điểm thu nhận hồ sơ ĐKDT tại các quận, huyện, thị xã, tại mỗi điểm đều có cán bộ trực hỗ trợ, bảo đảm không có đơn vị nào kết thúc việc thu nhận hồ sơ trước thời gian quy định. Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD - ĐT, trong số hơn 800 nghìn TS ĐKDT, khoảng một nửa chọn ĐKDT bài thi khoa học xã hội, số còn lại ĐKDT bài thi khoa học tự nhiên (khoảng 40%) và ĐKDT cả hai bài. Về lựa chọn môn thi trong bài thi tổ hợp, số TS chọn thi môn lịch sử và địa lý chiếm nhiều nhất - với hơn 350 nghìn TS/môn; môn vật lý, sinh học ít hơn - khoảng 50 nghìn TS/môn. Tại Hà Nội, tính đến ngày 19-4, 100% HS lớp 12 đã hoàn thành việc ĐKDT, với tỷ lệ TS chọn thi bài thi tổ hợp khoa học xã hội chiếm 60% trong tổng số 65 nghìn em. Một số giáo viên cho rằng, sự chênh lệch này tuy không nhiều, nhưng là sự chuyển dịch đáng kể về nhận thức đối với các môn khoa học xã hội. Ngoài ra, do sự thay đổi về hình thức thi, các bài thi (trừ ngữ văn) đều theo dạng trắc nghiệm khách quan nên được cho là thuận lợi, dễ ghi điểm hơn. Đáng chú ý, số nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm nay tăng mạnh, với 100% TS đăng ký nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 là 90%, nguyện vọng 3 - 70%, nguyện vọng 4 - 50%, nguyện vọng 5 - gần 40%... vì TS không bị giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD - ĐT), TS cần cân nhắc thứ tự nguyện vọng và bảo đảm nguyện vọng ưu tiên nhất là trường, ngành có mức điểm phù hợp với khả năng học tập, là nơi các em mong muốn học nhất. TS không nên vì thấy được đăng ký nhiều nguyện vọng mà đăng ký theo số đông, dễ dẫn đến chuyện được điểm cao nhưng không đỗ vào đâu, hoặc đỗ rồi lại không muốn học. Được điều chỉnh nguyện vọng một lần Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại nhấn mạnh: Thời gian này, khi các em đã hoàn thành việc ĐKDT, các nhà trường cần tập trung cao độ cho việc dạy học và ôn tập cho học sinh. Giáo viên lưu ý phạm vi ôn tập cho kỳ thi năm nay nằm trong chương trình lớp 12; nhắc học sinh cần nhớ với tất cả bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi câu đều có 4 phương án trả lời, nhưng chỉ duy nhất 1 phương án đúng. Liên quan việc ĐKDT, ông Trần Văn Nghĩa lưu ý, khi các TS đã ĐKDT bài thi tổ hợp nào thì phải dự thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp đó, kể cả trường hợp đã ĐKDT cả 2 bài thi tổ hợp. Nếu TS đã ĐKDT cả 2 bài thi tổ hợp mà không dự thi 1 bài thì bị coi là bỏ thi, và sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp. Đương nhiên, khi đã không được xét công nhận tốt nghiệp thì không thể được xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Dù đã hết thời hạn ĐKDT, song TS vẫn còn một cơ hội để thay đổi nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ. Thời điểm được thay đổi nguyện vọng là sau khi có kết quả thi THPT quốc gia (khoảng đầu tháng 7). Mỗi TS chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần. Đây là điểm khác biệt so với các năm trước của Bộ GD - ĐT nhằm tạo thuận lợi cho TS vẫn đang phân vân với những nguyện vọng đã ĐKDT. Tuy nhiên, các em cần cân nhắc, tránh chọn nguyện vọng dàn trải, dễ khiến việc ôn tập bị phân tán.
Theo Thống Nhất (HNM)