Mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất thâm canh cải tiến lúa và đậu phụng: Giảm chi phí tăng hiệu quả sản xuất
(BĐ) - Ngày 20.4, tại xã Phước Hưng (Tuy Phước) và xã Tây Phú (Tây Sơn), Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức hội thảo mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) sản xuất thâm canh cải tiến lúa giống TBR225 và mô hình sản xuất thâm canh đậu phụng trên chân đất lúa kém hiệu quả vụ Đông Xuân 2016-2017.
Tham quan cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa giống TBR225 tại xã Phước Hưng
Mô hình CĐML sản xuất thâm canh cải tiến lúa giống TBR225 do 205 thành viên HTXNN Phước Hưng thực hiện trên diện tích 50 ha, gieo sạ hàng với mật độ 80 kg/ha; mô hình sản xuất thâm canh đậu phụng do 10 thành viên của HTXNN Tây Phú thực hiện với diện tích 2 ha. Theo đánh giá của các HTX và nông dân trực tiếp thực hiện mô hình, sản xuất lúa và đậu phụng thâm canh cải tiến, áp dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp đã giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất. Trong đó, đối với mô hình CĐML sản xuất lúa đã giảm 20 kg/ha lượng lúa giống gieo sạ so với tập quán canh tác cũ, giảm 360 ngàn đồng/ha chi phí mua lúa giống và giảm 231 ngàn đồng đầu tư phân bón, nhưng năng suất lúa đạt 76 tạ/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 2,1 tạ/ha. Toàn bộ sản phẩm của nông dân được Công ty cổ phần Tổng công ty giống Thái Bình thu mua với giá cao hơn giá thóc thương phẩm tại thời điểm. Mô hình sản xuất đậu phụng thâm canh trên chân đất lúa kém hiệu quả áp dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp cũng đã hạn chế được sâu bệnh, qua đó đã giảm chi phí đầu vào. Năng suất mô hình đạt 32,7 tạ/ha, cao hơn năng suất ngoài mô hình 2,7 tạ/ha, lợi nhuận tăng 20,4%. Hiệu quả kinh tế của mô hình CĐML sản xuất thâm canh cải tiến lúa giống TBR225 và mô hình sản xuất đậu phụng, áp dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp là cơ sở để chính quyền và nông dân các địa phương nhân rộng, nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích.
T.SỸ