Ðâu rồi tiếng cồng chiêng?
Nhiều năm trước, trong những Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh, khi chương trình biểu diễn nghệ thuật kết thúc, vào buổi tối, các đơn vị thường tổ chức đoàn đánh cồng chiêng đến các trại khác giao lưu. Tiếng cồng chiêng ngẫu hứng tạo không khí đặc trưng của Ngày hội.
Mấy kỳ gần đây, tiếng cồng chiêng “ngoài thi thố” như thế không còn nữa. Thay vào đó, khi giao lưu, các đoàn thường mở nhạc dance sôi động - loại nhạc thường mở nhiều ở các vũ trường, quán bar... Tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh tổ chức hồi đầu tháng 4 vừa rồi ở huyện Hoài Ân, đã 22 giờ 30, chúng tôi ngồi khá xa khu vực tổ chức Ngày hội, nhưng tiếng nhạc dance dồn dập vẫn khiến nhiều người tức thở; xa xa các thanh niên dân tộc thiểu số nhún nhảy hết mình; bên trong các trại những bộ cồng chiêng đang nằm lặng im...
Cùng với sự phát triển của phương tiện nghe nhìn, công nghệ thông tin, toàn cầu hóa đang len đến từng ngóc ngách buôn làng. Mấy năm gần đây, có dịp đi đến các bản làng miền núi trong tỉnh, đều thấy ngày càng nhiều thanh thiếu niên hâm mộ nhạc dance. Các loại hình âm nhạc truyền thống của đồng bào dần bị lấn át, lép vế.
Càng nhiều thanh thiếu niên nhún nhảy, lẩm bẩm hát theo nhịp điệu, tiết tấu nhạc dance, nguy cơ mai một của âm nhạc truyền thống - trong đó có cả cồng chiêng càng cao. Không có gì xấu, sai trái khi thanh niên hâm mộ nhạc dance. Suy cho cùng, đây cũng là xu thế toàn cầu. Nhưng nếu vì thế mà âm nhạc truyền thống bị bào mòn, mất dần đi thì thật đáng lo lắng.
Không cần phải nhắc lại rằng, diễn tấu cồng chiêng không đơn thuần chỉ là sinh hoạt âm nhạc, tạo không gian gắn kết cộng đồng. Nó còn là nghi thức đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống. Dù có bảo tồn cồng chiêng tốt đến mấy, mọi điều sẽ vô nghĩa, nếu thiếu người diễn tấu, thiếu sự hiện diện trong đời sống hàng ngày. Điều gì sẽ xảy ra khi lớp nghệ nhân biết đánh cồng chiêng đã đứng tuổi mất đi, trong khi lớp trẻ lại hờ hững với việc gìn giữ di sản của tổ tiên?
Nếu các địa phương không nỗ lực tạo ra không gian cồng chiêng phù hợp, không tổ chức được những sự kiện mà ở đó những người trẻ biết diễn tấu cồng chiêng được vinh danh, nếu không tạo dựng thêm những giá trị mới của cồng chiêng thì cồng chiêng sẽ biến mất. Nói rộng hơn, bản sắc văn hóa truyền thống sẽ biến mất!
MAI THƯ