Liệu Tổng thống Mỹ bắt đầu quan tâm trở lại đối với Đông Nam Á?
Cho đến nay, khu vực Đông Nam Á, vốn là tâm điểm của các Tổng thống Mỹ trước đây, không có được quan tâm đáng kể nào từ ông Donald Trump. Liệu chuyến thăm Indonesia của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đánh dấu một sự thay đổi trong cách nhìn của ông Trump đối với khu vực này?
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Đại diện Thường trực của Philippines tại ASEAN Elizabeth Buensuceso trong cuộc gặp với Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta (Indonesia) hôm 20.4.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, ông Pence nói rằng ông Trump còn quan tâm đến nhiều vấn đề khác ở châu Á, ngoài tình hình Triều Tiên và quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Phó Tổng thống Mỹ cũng thông báo, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng 11 tới.
Đây là năm ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập. Hội nghị lần này sẽ diễn ra tại Philippines, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Việc Philippines là chủ nhà của hội nghị năm nay và có sự tham dự của Tổng thống Mỹ cũng được chờ đợi, vì quan hệ Mỹ - Philippines hiện không còn mặn nồng như trước, liên quan đến chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và việc Manila xích lại gần Trung Quốc.
Năm ngoái, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng hủy cuộc gặp với ông Duterte, sau khi bị người đồng cấp Philippines chỉ trích. Trước đó, ông Obama từng thể hiện sự quan tâm với khu vực Đông Nam Á nhiều hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ nào trước đó.
Ông Obama từng có 9 chuyến đi đến Đông Nam Á, trong đó có các chuyến thăm Myanmar và Lào.
Trong khi đó, ngay khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài ra, quan hệ giữa chính quyền Mỹ với Bắc Kinh cũng chưa rõ ràng. Chính sách đối ngoại hiện nay của ông Trump khiến nhiều nước liên quan không biết liệu Mỹ có nhượng bộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhằm đổi lấy sự hợp tác của nước này trong vấn đề Triều Tiên hay không.
Cựu quan chức quốc phòng Mỹ Amy Searight nói rằng, khu vực Đông Nam Á hiện rất muốn biết Mỹ đang đứng ở đâu trong vấn đề Biển Đông, hay nói rộng hơn là cách tiếp cận với Trung Quốc của Mỹ sẽ như thế nào.
Tuy nhiên, tương lai về quan hệ kinh tế có lẽ vẫn là vấn đề quan tâm hàng đầu của khu vực này. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn của hầu hết các nước ASEAN, mặc dù Mỹ vẫn là nguồn đầu tư chính.
Theo ông Searight, việc Mỹ rời TPP có thể “tạo khoảng trống mà Trung Quốc sẵn sàng thế chỗ”.
Hiện một số nước ASEAN, gồm Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Indonesia nằm trong số 16 nước mà chính quyền của Tổng thống Trump cho là có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây thông báo, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN vào ngày 4.5 tại Washington.
Dự kiến, các bên sẽ thảo luận về tình hình thương mại, các tranh chấp trên Biển Đông, buôn lậu, tội phạm và những vấn đề khác.
Lê Quảng (theo AP, CNA)