Làm sạch để ăn sạch!
Mới đây, tại phiên họp thứ 9 (vừa diễn ra ngày 20.4) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để nghe và cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhận định: “ATTP là mối quan tâm rất lớn của toàn xã hội với mức độ lo ngại ngày càng nhiều khi có nhiều vụ ngộ độc nghiêm trọng xảy ra”.
Đây không phải là lần đầu tiên vấn nạn thực phẩm bẩn - vốn đã và đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội - được giám sát bởi Quốc hội. Các vụ ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra gần đây, với những hậu quả hết sức nặng nề, cho thấy tình trạng thực phẩm bẩn đã đến “giới hạn đường đỏ”, tức là đã đến mức “báo động khẩn cấp”(!).
Thực phẩm không an toàn không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của con người mà còn là vật cản đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, một trong những “việc cần làm ngay” của các ngành chức năng và chính quyền các cấp trong lúc này là làm thế nào để người dân được ăn thức ăn sạch hàng ngày. Thức ăn thì phải sạch tưởng như là chuyện đương nhiên nhưng hiện tại lại là chuyện… gian nan. Bởi lẽ, hiện nay ở nhiều nơi đang có tình trạng “trồng rau hai luống, nuôi lợn hai chuồng”, nghĩa là nuôi trồng để mình ăn thì mới làm sạch, còn để bán thì bẩn cũng không sao(!).
Một khi người dân chưa hình thành tập quán sản xuất sạch, chế biến sạch thì làm sao có được nguyên liệu sạch, thực phẩm sạch?
Được biết, năm 2017 được Bộ NN&PTNT chọn là “Năm cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp” để từng bước hình thành thói quen sản xuất và chế biến an toàn đối với sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, cả nước đang ở trong Tháng hành động vì ATTP năm 2017, đã được phát động trên phạm vi toàn quốc, bắt đầu từ ngày 15.4 kéo dài đến ngày 15.5. Chủ đề của Tháng hành động này là “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu và bảo đảm ATTP thức ăn đường phố”. Đây là đợt cao điểm để tăng cường công tác bảo đảm ATTP, vì sức khỏe cộng đồng.
Mục tiêu của Tháng hành động vì ATTP năm 2017 hướng đến mục tiêu giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng hóa chất hay cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; bảo đảm ATTP tươi sống; giảm thiểu mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt, thủy sản nuôi nhằm cải thiện niềm tin cho người tiêu dùng.
Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rượu, các thực phẩm tươi, sống; giảm thiểu tình trạng lạm dụng rượu.
Tháng hành động cũng là thời điểm các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm tươi sống; tăng cường thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn nói chung và rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống nói riêng.
Công tác bảo đảm ATTP có vai trò, vị trí hết sức quan trọng đối với phát triển KT - XH, đối với sức khỏe người dân. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm nhằm loại bỏ thực phẩm bẩn ra khỏi thị trường để mang lại miếng ăn sạch cho người dân. Mỗi người với trách nhiệm công dân cần tuân thủ pháp luật, có ý thức trách nhiệm với mình và xã hội bằng hành động cụ thể - “làm sạch để ăn sạch”!
H.Ð