Rừng chè cổ thụ giữa đại ngàn An Lão
Tại 3 thôn của xã An Toàn (huyện An Lão) hiện còn nhiều vùng chè cổ thụ mọc rải rác khắp nơi. Nhiều thế hệ ở xã An Toàn đã sử dụng lá chè tự nhiên này nấu nước uống đều công nhận nước chè thơm ngon và có mùi vị đặc trưng. Năm 2016, UBND huyện An Lão đã phê duyệt Ðề án khôi phục và phát triển vùng chè tự nhiên rộng 1,9 ha, từng bước xây dựng thương hiệu chè đặc sản xã An Toàn, do Ban quản lý rừng đặc dụng (BQL RÐD) An Toàn thực hiện.
Một gốc chè cổ thụ trong rừng An Toàn. Ảnh: HOÀNG NAM QUỐC
Tại khoảnh 11A, tiểu khu 37 có tục danh “Bãi cỏ Gia Long” nằm ở độ cao hơn 900 m so với mặt nước biển thuộc thôn 2, xã An Toàn vẫn còn tồn tại 1,9 ha chè với trên 1.000 cây, mật độ khá dày. Vùng chè mọc tập trung ở đây đa số cao đến 4 m. Vùng đất này khá bằng phẳng nên người dân địa phương tận dụng những khoảng đất trống để trồng mì và quế, tuy nhiên không ai phá bỏ những cây chè mọc tự nhiên mà vun vén, chăm sóc để lấy lá nấu nước uống quanh năm.
Già làng thôn 2 Đinh Văn Giai cho biết, nghe cán bộ người Kinh kể chuyện binh lính thời Gia Long có đóng quân ở đây, thấy vùng đất này nhiều cỏ nên đã chọn làm bãi chăn thả bầy ngựa chiến. Một số binh lính trồng chè để uống, không ngờ chè trồng trên đất này có hương vị thơm ngon đặc biệt. Hạt chè phát tán mọc lan lâu dần thành rừng với những cây chè có tuổi đời hàng trăm năm”.
Đầu tháng 9.2016, UBND huyện An Lão đã ban hành Quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế dự toán bảo vệ và phát triển vùng chè tự nhiên An Toàn, giao BQL RĐD An Toàn thực hiện. Quyết định này như liều thuốc “tái sinh” để cây chè tự nhiên tại xã An Toàn có điều kiện phục hồi và phát triển. Vùng chè tập trung tại “Bãi cỏ Gia Long” được chọn để bảo tồn. Rào chắn được dựng lên, từng cây chè được vun gốc, bón phân, đồng thời vùng chè được trồng bổ sung đông đặc từ 600 cây ban đầu giờ tăng lên 1.000 cây.
Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc BQL RĐD An Toàn, cho biết: “Chúng tôi đã hợp đồng với Công ty cổ phần Dược & Trang thiết bị y tế Bình Định tiến hành phân tích, đánh giá hàm lượng các dược chất có trong chè tự nhiên ở An Toàn, so sánh với các vùng chè khác khá nổi tiếng như chè Gò Loi ở huyện Hoài Ân, để tiến tới xây dựng thương hiệu, sản xuất hàng hóa bán ra thị trường”.
Ngoài việc bảo tồn vùng chè tập trung, An Lão còn tổ chức khảo sát toàn bộ các vùng chè đang tồn tại ở 3 thôn thuộc xã An Toàn trên diện tích khoảng 5.000 ha. Những cây chè cổ thụ sẽ được dọn sạch cỏ quanh gốc; đơn vị thực hiện còn có trách nhiệm theo dõi, nghiên cứu đặc điểm sinh học của cây chè tự nhiên để bảo tồn, lưu giữ nguồn gen tại chỗ, đồng thời xây dựng vườn giống gốc để tiến tới nhân rộng.
An Toàn là xã đặc biệt khó khăn của huyện An Lão, toàn xã có 209 hộ dân, trong đó chiếm 99% là đồng bào dân tộc Bana, tỉ lệ hộ nghèo chiếm đến 74%, hộ cận nghèo 3,5%, sinh kế chính của bà con ở đây là chăn nuôi và khai thác các sản phẩm phụ dưới tán rừng tự nhiên. Hiện nay, cây chè tự nhiên mọc trong gần 24.000 ha rừng nguyên sinh ở An Toàn sẽ là cơ hội để người dân nơi đây thoát nghèo một khi “chè rừng” biến thành chè thương phẩm.
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, khẳng định: “Bảo tồn và phát triển rừng chè tự nhiên là cơ hội để người dân xã An Toàn mở ra hướng sản xuất mới, trồng và nhân rộng diện tích chè theo hướng sản xuất sạch nhằm tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Khi người dân đã đủ cái ăn cái mặc, áp lực bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn sẽ giảm đáng kể”.
HOÀNG NAM QUỐC