Gieo chữ nơi đảo xa
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Bình Ðịnh chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh, cô giáo Nguyễn Thị Bích Phụng (quê xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) đăng ký ra xã đảo Nhơn Châu dạy học. 6 năm qua, không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cô Phụng còn tìm tòi, cải tiến phương pháp dạy học giúp học sinh tiến bộ từng ngày.
Những kiến thức được cô Phụng truyền tải qua các trò chơi, giúp học sinh hứng thú tiếp nhận và nhớ lâu.
Trường PTCS Nhơn Châu có 9 lớp với 200 học sinh nhưng chỉ có 1 giáo viên dạy môn tiếng Anh là cô Bích Phụng. Nhờ cô Phụng đã đạt chuẩn năng lực tiếng Anh trình độ B2 theo Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu, ba năm qua, trường đã tổ chức dạy thí điểm chương trình tiếng Anh theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, áp dụng từ lớp 3 đến lớp 7, quan tâm phát triển toàn diện 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết cho học sinh.
Những sáng kiến dạy học hiệu quả
Sáng 12.4, tham dự một tiết học tiếng Anh ở lớp 8 do cô Phụng giảng dạy, tôi thấy rõ niềm hứng thú và đầy tự tin của học sinh xã đảo với môn học này. Phần kiểm tra bài cũ được cô Phụng thiết kế theo trò chơi “Pass the secret ”, mỗi đội chọn 4 em xếp thành 2 hàng đối diện, em đầu tiên trong mỗi đội phải nói thầm từng từ hoặc cả câu trong mẫu giấy qua tai từng bạn chơi. Mãi tới khi bạn chơi cuối cùng lắng nghe và ghi được câu hoàn chỉnh lên bảng. Cô dẫn vào bài mới từ kết quả của 2 đội. Tiết học sau đó sôi nổi với các trò chơi, lời phát biểu, trao đổi giữa cô và trò, trò và trò và 90% ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh. Liên tục giơ tay xin lên bảng, cô học trò Lê Thị Bích Vân thường “xịu mặt” mỗi khi không được cô Phụng chỉ. “Em biết câu trả lời và rất muốn được chỉ đứng lên nói trước”, Vân nói.
Kết thúc tiết dạy, cô Phụng trao đổi: “Tôi luôn nghĩ cách lồng ghép các trò chơi vào những tiết dạy của mình, chẳng hạn trò ném bóng, đoán chữ, đoán số…, đặc biệt tôi luôn khuyến khích các em thuyết trình quan điểm, ý tưởng hoặc sử dụng ngôn ngữ trong quá trình khảo sát bạn học trong lớp qua từng nội dung bài học”.
Cô Bích Phụng thường xuyên trăn trở với việc nghiên cứu, tìm ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình giảng dạy. Trong ba năm học 2012-2013, 2014-2015 và 2015-2016, những sáng kiến của cô Phụng đã đoạt giải cấp trường, cấp thành phố. Thầy Huỳnh Công Thành, Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Nhơn Châu đánh giá: “So với các giáo viên trẻ trong trường, cô Phụng nhiệt tình và nổi trội hơn về chuyên môn. Đặc biệt, những sáng kiến kinh nghiệm của cô về sử dụng các thủ thuật trò chơi truyền thống trong giảng dạy các khối lớp, dùng phương pháp dạy học Sơ đồ tư duy dạy học sinh khối 6, 7, 8, 9 hay vận dụng phương pháp dạy học tích cực trong dạy kỹ năng nghe cho học sinh lớp 8,9 đều mang lại hiệu quả. Nhờ vậy, tỉ lệ học sinh học tiếng Anh đạt kết quả năm sau cao hơn năm trước”.
Vượt lên những cánh sóng
Trò chuyện với tôi, cô Phụng kể: “Thời gian đầu, mình gặp không ít khó khăn, từ soạn giáo án đến lên lớp. Phải tranh thủ thời gian trên đảo có điện để cập nhật thông tin, tìm kiếm tài liệu, Internet trên đảo chập chờn ghê lắm. Có lúc, tôi đã nghĩ, liệu mình có thể bám trụ được không? Nhưng rồi, mọi khó khăn cũng qua đi. Tôi không những được ban giám hiệu, cả các thầy cô trong trường giúp đỡ mà cả cán bộ chính quyền cũng nhiệt tình thăm hỏi!”.
Vẫn chưa hài lòng với những gì mình đã làm được cho học sinh ở xã đảo, cô Phụng cho biết, thời gian tới, tôi sẽ cố gắng nghiên cứu phương pháp dạy học tích cực hơn, đạt hiệu quả cao hơn để giúp các em tiến bộ hơn nữa. 30 tuổi, cô Phụng vẫn cười thật tươi khi thú nhận mình chưa có dự định gì chắc chắn cho cuộc sống, chỉ có điều chắc chắn là “nếu có thể cống hiến được gì cho xã đảo, và giúp được cho các em học sinh những gì để thoát khỏi thiệt thòi so với các em trên địa bàn thành phố thì tôi sẽ cống hiến hết sức mình”.
Năm 2016, cô Phụng là gương mặt duy nhất được ngành GD&ĐT tỉnh chọn tham dự chương trình Gặp mặt giáo viên tiêu biểu xuất sắc đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo trên toàn quốc. Với những thành tích đã đạt được, chiếc neo của cô Phụng với Nhơn Châu đã bền chắc hơn. Cô giờ đã thật sự là người xứ đảo!
NGỌC TÚ