Hệ thống kè chống xói lở trên đê bao sông Lại bị hư hỏng nặng
Do liên tiếp hứng chịu 5 trận lũ lụt lớn vào những tháng cuối năm 2016, nước từ thượng nguồn sông An Lão đổ về đã làm cho nhiều vị trí kè chống xói lở trên hệ thống đê bao sông Lại bị hư hỏng nặng, đe dọa an toàn cho cả tuyến đê bao trong mùa mưa lũ sắp tới nếu không gia cố sửa chữa kịp thời.
Hệ thống kè chống xói lở trên đê bao sông Lại đã bị hư hỏng.
Theo quan sát của chúng tôi, điểm xói lở nặng nhất nằm cách chân đập dâng nước Lại Giang 100 m về phía hạ lưu. Nước lũ đã phá vỡ một thảm bê tông diện tích khoảng 20m2, tạo thành hố sâu gần 1 m gây sụt lún một phần mái taluy đỉnh kè, cùng nhiều vết nứt loang lổ khác xung quanh vị trí trên.
Chỉ tay ra phía bờ sông trước nhà, bà Nguyễn Thị Bốn, người dân tổ 1, khối Trung Lương, lo lắng: “Trước đây, đó là vùng soi của gia đình tôi với hàng chục cây dừa. Mấy năm gần đây, cứ sau mỗi mùa mưa lũ, thì vài cây dừa và 4-5 m đất bờ sông lại biến mất. Đợt mưa lũ cuối năm ngoái nước xoáy sâu vào bờ tạo những hàm ếch, có chỗ chỉ còn cách mặt đường trên đê bao 2-3m, khiến cho những lũy tre giữ đất dọc theo bờ sông giờ chỉ còn lưa thưa vài khóm”.
Ông Nguyễn Tức, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn), cho biết: Tuyến đường Bạch Đằng trên đê bao sông Lại - đoạn qua địa bàn khối Trung Lương được cấp trên đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2014 (mốc từ chân cầu Bồng Sơn mới đến giáp đập dâng nước Lại Giang) dài gần 1km, trị giá trên 10 tỉ đồng. Đến nay, trên hệ thống này mới chỉ có 210 m được kiên cố bê tông chống sạt lở. Do đó, trong 2 năm gần đây, tại những vị trí chưa được kè hộ chân, mức độ sạt lở nghiêm trọng, khiến bà con trong vùng lo lắng. Ông Tức kiến nghị: “Kinh phí xây dựng kè chống xói lở nối liền với đoạn còn lại của hệ thống rất lớn, ngoài khả năng của địa phương. Do đó, đề nghị các ngành liên quan kiểm tra, đánh giá hiện trạng sạt lở của hệ thống đê hiện nay. Từ đó, có biện pháp ngăn chặn tình trạng sạt lở hoặc hỗ trợ kinh phí tu bổ để đảm bảo hệ thống đê bao bền vững, giúp người dân được an tâm sinh sống trong mùa mưa lũ”.
DIỆP BẢO SƯƠNG