MẸ QUÊ
* Truyện ngắn của HƯƠNG VĂN
Bà Tư tỉnh dậy từ lúc hai giờ sáng.
Toàn thân mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhại nhưng bà cố rướn mắt lên nhìn. Rõ ràng ông vừa móm mém cười với bà. Rõ ràng tiếng ông rên khe khẽ khi trở mình khó nhọc. Chân tay bà quíu lại, bà muốn trườn tới để chạm vào vai ông, nhưng tất cả đã vụt tan mất. Thế rồi bà không làm sao dỗ mình ngủ lại được.
Ánh đèn ngủ nhờ nhờ vàng mơ hồ đưa bà vào thế giới nửa thực nửa hư. Ổng đang dõi theo mình, đang trách mình đây mà. Những bàn thờ không nhang khói, những mạng nhện giăng đầy, nhà cửa bụi bặm vì bị bỏ quên. Bà Bảy, bà Hai xóm chợ và cả tiếng vịt quàng quạc bờ ao cũng ùa về trong giấc ngủ. Bà Tư cong người trên chiếc nệm dày ram ráp. Mặc cho quạt thổi vù vù, tóc tai lòa xòa như tơ rối, nước mắt bà ứa ra theo tiếng thở dài trong đêm…
Dưới phố, còi xe đã đua nhau inh ỏi. Trong nhà, bọn trẻ đập cửa thình thình và tiếng thằng Danh rít lên, quát con:
- Ðể yên cho bà ngủ!
***
… Một tháng ba mươi ngày. Không đêm nào bà Tư tròn giấc. Mà đã mấy tháng rồi như thế. Ban đầu bà cho là lạ chỗ. Rồi thì bà nghĩ mình già rồi, thì nó phải như thế. Nhưng rồi tự bà, bà biết không phải thế, bà đang tự dối lòng mình vậy thôi!
Thế giới bên ngoài của bà giờ gói gọn qua ô cửa sổ bé tí. Những ngôi nhà lớn bé san sát nhau, chan vào cái nắng tháng ba gay gắt tựa như bốc khói càng làm bà thêm ngột ngạt. Bà thèm được xuống đường để thoát khỏi không gian chật chội ấy. Nhưng đâu phải lúc nào con cháu cũng rảnh rỗi. Bà sợ đi thang máy. Ðứng trong cái lồng sắt ấy, mặt bà cứ ngơ ngơ, rúm người lại vì hãi. Hai đứa cháu từng lăn bò ra cười khi thấy bà nội ú ớ trong thang máy.
Căn hộ của con trai bà ở tít trên tầng tám của khu chung cư, giá cả tỉ bạc chứ ít ỏi gì. Bà vẫn muốn con mua đất ở xa xa trung tâm một chút, vừa rẻ vừa rộng. Nhưng chúng bảo bất tiện lắm. Trăm bề bất tiện, bố mẹ khó đi làm, con cháu khó đi học. Tiện cho chúng thì khó cho bà. Thôi thì bà cứ ru rú trong nhà, nồng nồng đủ thứ mùi. Chỗ nằm của người sống cũng chỉ vỏn vẹn mấy mét vuông, thứ gì cũng ráng mà ngự trên tường trên vách. Rước ông vào đây, biết đặt ông vào chỗ nào, nhang khói ra làm sao? Thế đã khó còn dám nghĩ gì đến chuyện cúng to giỗ nhỏ!
Phụ con dâu nấu nướng, mãi mà bà Tư cứ lóng nga lóng ngóng, nào bếp ga, bệ rửa, nào là những kệ những hũ thủy tinh, inox cứ là sáng choang. Mắt bà yếu, muối cũng như bột ngọt, hũ nhựa nom cũng như thủy tinh, bà sợ vỡ, sợ đổ, sợ nhầm, bao nhiêu là thứ sợ khiến bà đâm ra lóm thóm, rụt rè… Ban đầu nó cũng im im tự chữa lấy, dọn dẹp cho gọn lại. Riết rồi nó cũng phải cằn nhằn. Thức ăn thừa. Nó bảo bỏ đi. Bà thì tiếc. Tô canh chua còn nguyên con cá cơ mà.Bà lén nó che che chắn chắn ủn cái tô sâu trong góc tủ lạnh. Hôm sau bà lôi ra, hâm nóng, rồi mình bà ngồi ăn tù tì. Con dâu còn tằng hắng, cáu tiết vì nước canh vương vãi sang ổ bánh ga tô, đĩa chả… Thế là phải bỏ cả. Lại còn phải dọn gọn tủ lạnh nữa. Còn bà, bà vờ điếc, nghếch mặt xem ti vi, thi thoảng lại đưa mắt trộm nhìn nó vừa dọn dẹp vừa càm ràm.
Chỉ có mấy tuần mà bà Tư căng thẳng, phờ phạc. Nước da nhợt nhạt. Những nếp nhăn như xô lại, nhúm nhó, quầng chéo lên nhau. Thằng Danh cứ làu bàu giục con dâu đưa mẹ đi khám bệnh nhưng bà xua tay:
- Mẹ chỉ dùng được thuốc Nam của thầy Bính ngoài quê. Ðằng nào mẹ cũng phải về để kịp giỗ ba mày… Vợ chồng mày không về được thì để mẹ tự về vậy, cũng không có gì đâu mà lo, còn bao nhiêu bà con trên tàu mà. Mày không về mà tao cũng không về nữa thì sau làm sao ăn nói với họ tộc chứ! Thế là bà thu xếp lặng lẽ về. Trọi trơn có mấy bộ đồ. Bà về gấp quá mà!
Mặt trời đã lên ngang con sào. Bà Tư đội cái nón cũ, cắp cái rổ ra chợ. Gọi là chợ nhưng chỉ có vài ba cái lều lèo tèo bán thịt, rau, xôn xao được một lúc vào sáng sớm. Bà lò dò đến đặt trước ba đòn bánh tét. Bánh tét là món khoái khẩu của ông khi xưa. Hồi ông Tư nằm liệt một chỗ sau tai biến, mấy ngày gần đi, ổng còn thủ thỉ với bà, rằng ổng ưng nhứt là bánh tét. Sáng nào bà cũng sắc thuốc cho ông uống rồi hỏi ông ăn gì để bà mua. Ðau bệnh ngần ấy năm, nằm chỗ lâu ngày, da như muốn bong ra từng lớp. Bà nâng nhẹ lau rửa cho ông ngày hai bận. Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông. Từ trai gái đến dâu rể, không đứa con nào chịu được ông. Về được nửa ngày đôi hôm là đứa nào đứa nấy lại viện cớ bận việc. Sự đời nó vậy, mà mãi mãi nó cũng sẽ cứ vậy, như nước chảy xuôi. Ruộng đồng, vườn tược, bà Tư không phải đụng tay đụng chân nữa. Một tháng, chúng gửi vài ba triệu báo hiếu …
Ngồi với hai người bạn già trong quán nước, vẫn giọng thỏ thẻ, dài dòng nhưng thật thà, bà Tư đem cả chuyện mơ thấy ông Tư ra kể. Bà Hai, bà Bảy cùng phá lên cười. Chị này lẩn thẩn thật rồi, làm gì có chuyện người âm kẻ dương gặp nhau. Vương vấn gì nhiều đến thế? Ông ấy về xuôi cũng đã bốn năm còn gì…
Nhưng bà Tư đem chuyện ấy ra kể cũng là để mào đầu cho ý định rời xa quê lần nữa. Bà có đau yếu gì đâu, về nhà thấy thoải mái hơn nữa là khác. Nhưng bà vẫn căng thẳng quá, thằng Danh cứ hối thúc bán nhà. Mọi thứ giỗ chạp cứ giao lại cho đứa cháu họ. Con cháu ở đâu ông bà ở đó, cứ vào đây rồi vợ chồng nó khắc lo chuyện cúng quải… Ði hay ở, đôi đường bà đều thấy dở dở dang dang…
Nghe thủng câu chuyện, tay phẩy phẩy cái nón cời móp méo, bà Bảy chép miệng:
- Trẻ cậy cha, già cậy con. Thằng Danh dững dàng trong đó, chị muốn nó dìa quê ở sao được! Nó không dìa được thì chị phải dô, sự lý nó dẫy thâu!
Bà Tư nhìn bà Hai gật gù đồng tình:
- Chị cứ nấn ná làm gì! Khéo không vì chị mà vợ chồng chúng nó lại hục hặc…
Ừ, về cái ăn của để, so ra bà Tư hơn hai bà ấy nhiều. Bà Hai góa bụa có mỗi cô con gái luống tuổi lở dở lương ương, mẹ con đang tá túc trong ngôi nhà lụp xụp. Bà Bảy có năm người con. Bầy cháu vẫn bu bám vào gánh rau của bà già đấy thôi. Mà cả làng cùng cảnh như thế, nhà nào cũng vài ba sào ruộng, thanh niên trai tráng không lo làm thuê mướn thêm thì không sao đủ ăn. Như nhà bà là may mắn. Cũng đồng đó, vườn đó, ông bà Tư cũng chăm bẵm cày bừa, cuốc xới, một năm thu hoạch chỉ có hai vụ như mọi người. Nhưng con bà được cái ham học rồi thoát ly ruộng đồng, ở hẳn trong phố thị miền Nam. Nghĩ từ ruộng vườn mà ra, mà thành nên cứ nói đến đoạn rời bỏ, bà Tư không đành lòng.
Mấy chục gốc dừa và đàn vịt gà đã nuôi thằng Danh, con Dương ăn học nên người. Riêng ngôi nhà, dù cũ kỹ nhưng biết bao mồ hôi công sức, cũng là nơi thờ cúng ông bà tổ tiên. Lúc thằng Danh, con Dương còn nhỏ, ông Tư đã nhận toàn bộ trách nhiệm ấy với họ hàng rồi. Thằng Danh sau này sẽ kế tục cha việc nhang khói ấy. Ấy vậy mà… Nghĩ đến chuyện vào ở hẳn với con trai bà Tư thấy khổ sở!
Tầm gần trưa, bà Tư mới chậm chạp cắp cái rổ đi về. Bóng bà gầy gò, xiêu vẹo dạt vào bờ cây đầy nắng. Trong cái rổ, vài lạng thịt, một bó rau muống đã hơi héo nằm gọn lỏn. Không còn con chó cuống quýt vẫy đuôi sủa mừng chủ về, vắng bầy vịt quàng quạc kêu ngoài ao. Ôi chao! Con chó và đàn vịt gà, trước chuyến bà vào Sài Gòn “sống thử”, bà đã phần cho phần bán hết rồi còn đâu? Bỗng bà thèm đến lạ lùng những thanh âm ấy!
Dạo này bà Tư ít ngồi lâu ngoài chợ. Bởi có đứa cháu ngoại về chơi. Nhưng con bé lạ thật. Nghe bà nhờ nhặt rau, nhóm bếp, miệng dạ dạ vâng vâng nhưng chỉ trố mắt lên qua đôi kính dày cộm rồi lại dán vào cái Ipad trước mặt, chân không nhích nửa bước.
Cháu bà, bà nuôi từ khi nó còn đỏ hỏn trên tay. Mẹ nó chưa kịp tốt nghiệp khóa học tại chức thì đã vướng phải chuyện sinh nở. Thằng cha có tí chức vụ trong cơ quan nhưng mê xã giao với anh em bạn bè hơn là vợ con, suốt ngày la cà. Sợ Dương yếu người yếu dạ, trong tháng cũng phải dùi mài sách vở, bà đùm túm tay xách nách mang cùng hai con gà mái đi nuôi đẻ. Ði nuôi đẻ cũng phải may thêm mấy bộ quần áo mới. Mấy cái áo xệ vai, quăn tà, đằng nào con Dương không lôi ra lau nhà, thấm nước đái… Mấy tháng ròng, một tay bà mớm sữa, tã lót… Con bé sốt cao, hành bà thức trắng, rệu rã mồm miệng sau những tiếng ru hời. Cả mấy đêm liền. Nhưng bà vuốt ve, nựng nịu nó như nâng cục vàng, cái trứng. Không vậy sao được! Bà chỉ có mỗi nó là cháu gái.
Nhưng nay nó mới về chơi vài hôm, bà đã khổ tâm ghê gớm. Ðánh mắng nó thì mang tiếng ác, không bảo ban dạy dỗ nó thì biết ăn nói thế nào với vợ chồng con Dương? Bà mới càm ràm vài câu, nó đã bấm nhoay nhoáy trên cái máy, nó với mẹ nó nhoáy qua nhoáy lại, thế rồi chuông điện thoại trong túi nó reo lên. Nó a lô rồi chuyển máy sang cho bà, cười đắc thắng:
- Của bà đấy ạ!
Con Dương quơ quàng mắng bà một hơi. Con gái bà vốn có tính sồn sồn lửa rơm như thế, bà còn lạ gì. Ngày ở với vợ chồng nó, miếng ăn lỡ bữa đã chẳng ngon lành gì, giấc ngủ cũng khó tròn giấc. Con vợ đi học về trước, sữa căng đẫy ngực, mệt lử, thằng chồng về sau, rượu men phả đầy, say ngất ngứ. Chuyện cãi vã bùng bùng bên tai bà như cơm bữa. Thương con gái nhưng lại nể con rể nên bà đành chín nhịn làm mười cho qua bao nhiêu bận…
Rồi bà Tư lại lui cui một mình.
Ðêm. Trời trở rét. Sương xuống nhiều phủ dày giàn mướp, thi thoảng rơi lộp độp. Bà Tư vẫn còn khom ngồi chuốt nốt đống cọng dừa bên bếp lửa thì thằng Danh gọi về. Sau vài câu hỏi qua loa về thuốc nam, thuốc bổ…, nó lại lòng vòng cái điệp khúc giục mẹ bán nhà.
Bà Tư rụt rè lái con sang câu chuyện khác. Số là cả xã có những hơn mười cụ neo đơn. Ngôi nhà tình thương chung cho các cụ sắp được xây cạnh vườn nhà. Bà đã ký giấy hiến mấy mét đất để xã làm cái sân cho các cụ tập dưỡng sinh… Thằng Danh không nghe hết câu chuyện, đùng đùng gắt:
- Chuyện của thiên hạ, mẹ lo làm gì cho khổ thân! Tự dưng lại hiến đất, có đứa nào dỗ ngọt mẹ phải không… Ðể con về … để con về rồi hay…
Nó cúp điện thoại cái rụp. Lửa vẫn tí tách, bập bùng. Ngoài xa, vọng lại vài hồi cú kêu sương. Bà Tư quờ tay khẽ kéo con Mực vào lòng, rủ rỉ rù rì… Thế là mình sắp có bạn rồi Mực ơi! Mực ơi… Cậu Danh có giận thì kệ cậu ấy thôi. Bà không ở được trong cái lồng bê tông giữa trời cao ấy nữa đâu. Rồi cậu ấy sẽ hiểu thôi Mực ạ!
H.V