Ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến: Hạn chế chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất
Vụ Ðông Xuân (ÐX) 2016-2017, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng và chuyển giao cho nông dân quy trình kỹ thuật sản xuất thâm canh cải tiến (SRI) lúa và đậu phụng và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Thực tế cho thấy, phương pháp sản xuất SRI và IPM đã tác động tích cực đến tập quán canh tác của nông dân, góp phần hạn chế chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái.
Nông dân tham quan mô hình sản xuất thâm canh cải tiến đậu phụng áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp tại xã Tây Phú (Tây Sơn).
Hiệu quả thiết thực
Trong khuôn khổ Dự án Gieo hạt giống cho sự thay đổi - Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững, do Chính phủ Úc tài trợ, vụ ĐX 2016-2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất thâm canh cải tiến lúa và đậu phụng tại các xã: Phước Hưng, Phước Sơn (Tuy Phước); Hoài Mỹ (Hoài Nhơn); Tây Vinh, Tây An, Tây Phú, Tây Giang, Bình Thành, Bình Thuận, Bình Tân, Tây Giang (Tây Sơn), với tổng diện tích hơn 412 ha để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.
Theo đánh giá của chính quyền các địa phương và nông hộ trực tiếp tham gia các mô hình áp dụng phương pháp SRI và IPM đã hạn chế được chi phí đầu vào, tiết kiệm được nguồn nước, hiệu quả sản xuất tăng cao. Trong đó, mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) sản xuất thâm canh cải tiến lúa giống TBR225 diện tích 50 ha tại xã Phước Hưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nông dân.
Bà Võ Thị Tuyết Loan, thành viên HTXNN Phước Hưng, trực tiếp tham gia mô hình, cho biết: Trước đây, chúng tôi thường làm đất, ngâm ủ giống theo thói quen và gieo sạ với mật độ 120 kg lúa giống/ha, nên khi cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách làm đất, ngâm ủ giống, gieo sạ hàng chỉ từ 3-4 kg lúa giống/sào (tương đương 60-80 kg lúa giống/ha) và áp dụng phương pháp IPM, bà con chúng tôi nghi ngờ về khả năng thành công của cách làm này. Tuy vậy, qua thực tế tôi thấy áp dụng kỹ thuật sản xuất SRI đã giảm được chi phí đầu tư nhờ giảm lượng lúa giống, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật; công chăm sóc, nước tưới cũng giảm. Năng suất lúa đạt trên 3,5 tạ/sào, được doanh nghiệp thu mua với giá cao, nên bà con chúng tôi rất vui”.
Ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTXNN Phước Hưng, cho biết: Phần lớn diện tích CĐML sản xuất lúa được gieo sạ bằng máy sạ hàng, nên đã giảm được 20 kg/ha lượng lúa giống gieo sạ so với tập quán canh tác cũ, giảm 360 ngàn đồng/ha chi phí mua lúa giống và giảm 231 ngàn đồng đầu tư phân bón. Năng suất lúa đạt 76 tạ/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 2,1 tạ/ha. HTX cũng đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Tổng công ty giống Thái Bình thu mua sản phẩm của thành viên HTX với giá cao hơn giá thóc thương phẩm tại thời điểm, đảm bảo lợi ích cho các thành viên của HTX.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Theo ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương, canh tác lúa cải tiến SRI là phương pháp sản xuất lúa gạo tiên tiến, hiệu quả, thân thiện với môi trường; tăng sản lượng lúa; giảm thiểu lượng nước tưới, giống, phân bón, thuốc trừ các loại sâu bệnh và công lao động; đồng thời giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Thực tế cho thấy, phương pháp SRI và IPM tác động tích cực tới tập quán canh tác, thu nhập của nông dân. Mối liên kết của nông dân được tăng cường thông qua việc hình thành các nhóm nông dân cùng tham gia, chia sẻ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và kỹ năng hạch toán kinh tế, giúp họ quản lý kinh tế gia đình tốt hơn. Áp dụng phương pháp sản xuất SRI và IPM còn giúp nông dân giảm từ 25-30% lượng nước tưới, 40% lượng lúa giống; hạn chế tối đa lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và thời gian chăm sóc; lợi nhuận tăng từ 25 - 35% so với phương pháp sản xuất truyền thống. Qua quá trình thực hiện các mô hình, năng lực tổ chức điều hành sản xuất của cán bộ khuyến nông ở cơ sở được nâng cao; hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX có hiệu quả hơn.
Ông Lê Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, việc duy trì và phát triển diện tích sản xuất các loại cây trồng áp dụng phương pháp SRI và IPM nhằm hạn chế rủi ro, đảm bảo hiệu quả sản xuất là việc làm cần thiết. Do vậy, vụ Thu năm 2017, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương nhân các mô hình ra diện rộng và xây dựng thêm các mô hình trình diễn sản xuất lúa áp dụng phương pháp SRI và IPM tại các xã: Tây Bình (Tây Sơn), Hoài Mỹ (Hoài Nhơn), Phước Hưng (Tuy Phước) với tổng diện tích khoảng 200 ha để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Trung tâm cũng tiếp tục giới thiệu doanh nghiệp ký hợp đồng với HTXNN tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo lợi ích cho nông dân.
SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả, tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới. Những nguyên tắc/kỹ thuật cơ bản của phương pháp này bao gồm: cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa, quản lý nước, làm cỏ sục bùn và bón phân hữu cơ. SRI được áp dụng ở Madagascar từ năm 1980, sau đó được Giáo sư Norman Uphoff thuộc Trường đại học Cornell của Mỹ tuyên truyên để áp dụng và nhân rộng ra nhiều nước trên thế giới.
Mặc dù đây là một phương pháp trồng lúa hiệu quả và thân thiện với môi trường nhưng để nông dân áp dụng và nhân rộng phải làm thay đổi nhận thức của họ, những người đã quá quen thuộc với phương pháp canh tác truyền thống. Một khi người nông dân đã chấp nhận thay đổi thì SRI có thể mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho những người trồng lúa, đặc biệt là người nghèo.
PHẠM TIẾN SỸ