Trung Quốc tăng cường hiện diện ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông
Các nhà phân tích cho rằng, việc tàu hải giám Trung Quốc liên tục tuần tra tại cụm bãi cạn Luconia, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh vẫn theo đuổi ý định đòi hỏi chủ quyền vô lý với hầu hết khu vực ở Biển Đông.
Tàu hải giám Trung Quốc phun vòi rồng vào ngư dân Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough hồi tháng 9.2015.
Theo số liệu của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), trong hai tháng đầu năm nay ba tàu Trung Quốc thường xuyên tuần tra gần bãi cạn Luconia, cách Trung Quốc khoảng 1.600 km nhưng chỉ cách đảo Borneo (Malaysia) 145 km về phía bắc.
Kể từ đầu năm ngoái, có đến 11 tàu hải giám Trung Quốc, gồm một tàu 5 ngàn tấn, thường xuyên thay nhau tuần tra ở khu vực này.
Báo cáo của AMTI cho rằng, sự hiện diện của lực lượng hải giám Trung Quốc tại đây cho thấy “quyết tâm của Bắc Kinh nhằm thiết lập quyền kiểm soát thông quan đường chín đoạn”, vốn đã bị Tòa án Quốc tế bác bỏ.
Theo nhà phân tích chính trị Lyle Morris, trong thập kỷ qua Trung Quốc tăng cường sử dụng lực lượng hải giám để thiết lập sự hiện diện, cũng như tuyên bố chủ quyền vô lý đối với các vùng lãnh thổ có tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Cũng theo ông Morris, lực lượng hải giám Trung Quốc không chỉ sử dụng những chiến thuật như đâm, va hay dùng vòi rồng phun nước vào tàu dân sự của các nước có tranh chấp, mà hiện còn triển khai tàu loại lớn có trang bị súng lớn hơn.
Tháng trước, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman nói rằng, Kuala Lumpur không công nhận đường chín đoạn mà Bắc Kinh đặt ra trên Biển Đông.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích David Han, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Malaysia khó có thể tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề này, do kinh tế nước này phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia kể từ năm 2009 và hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại đây.
Chuyên gia an ninh quốc tế Euan Graham, thuộc Viện Lowy (Sydney), cho rằng, mặc dù Bắc Kinh có thể tỏ ra kiên nhẫn ở Biển Đông, như trường hợp nước này rút tàu khỏi cụm bãi cạn Luconia hồi cuối năm 2015, nhưng về chiến thuật thì không có gì thay đổi.
Theo giáo sư James Chin, thuộc Đại học Tasmania (Úc), vấn đề thực sự là sự lớn mạnh của Trung Quốc ở Đông Nam Á và không có nước nào biết cách xử lý vấn đề này như thế nào. “Mỹ được cho là đóng vai trò là nước tạo ra sự cân bằng, nhưng Tổng thống Mỹ hiện nay không có dấu hiệu cho thấy ý định đối đầu với Trung Quốc, liên quan đến khu vực Đông Nam Á, trong khi ông ấy tỏ ra quan tâm đến vấn đề Triều Tiên hơn,” ông James Chin nói.
Lê Quảng (theo SCMP)