Loạn thị trường kính thuốc
Số người bị mắc các tật liên quan đến khúc xạ, phải đeo kính thuốc - bao gồm kính cận thị, loạn thị, viễn thị… - đang gia tăng nhanh chóng. Đi khám mắt, đo thị lực và sắm một chiếc kính thuốc là giải pháp mà đa số người bị tật khúc xạ lựa chọn. Tuy nhiên, do quy trình, kỹ thuật đo thị lực ở nhiều cơ sở cung cấp kính thuốc không bảo đảm cũng như tình trạng loạn sản phẩm nên nhiều người phải chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.
Người dân nên đến các cơ sở có chuyên môn để đo mắt và mua kính thuốc, tránh tình cảnh “tiền mất, tật mang”.
Hệ lụy khó lường
Tại các bệnh viện mắt hay bệnh viện có chuyên khoa mắt, các bác sĩ thường xuyên phải tiếp nhận bệnh nhân là nạn nhân của cửa hàng kính thuốc - nơi mà việc kiểm tra thị lực, kê đơn (số kính) được thực hiện khá tùy tiện. Việc cấp sai số kính, lắp kính không đồng trục, lệch tâm... là điều thường xảy ra. Nhiều trường hợp được cấp kính sai số, phải đeo kính cận số cao hơn mức cần trong khoảng thời gian dài khiến người dùng mệt mỏi, thậm chí bị biến chứng liệt điều tiết.
Có nhiều ví dụ về tình trạng đáng lo nói trên. Chẳng hạn, trường hợp của bệnh nhân Dương Phương K. (9 tuổi, trú tại Hải Phòng) đã được đưa tới Bệnh viện Mắt trung ương trong thời gian gần đây. Cách đây 5 tháng, thấy con kêu khi nhìn bị mờ, bố mẹ cho em đi khám mắt và được cấp đơn mua kính cận 2 đi-ốp. Thế nhưng, khi đeo kính, Dương Phương K. vẫn không nhìn rõ mọi thứ xung quanh. Sau đó một tháng, bố mẹ cho em đi khám lại. Và lần này, người khám chỉ định tăng số kính của K. - với mắt phải là 4 đi ốp và mắt trái là 4,5 đi ốp. Dù vậy, sau đó, sức nhìn của em vẫn kém, thậm chí còn có hiện tượng đau đầu, nhức mắt. Cuối cùng thì K. được đưa đến Bệnh viện Mắt trung ương và được hội chẩn tại Khoa Khúc xạ. Theo TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng khoa Khúc xạ, kết quả kiểm tra cho thấy thị lực - cả nhìn xa và nhìn gần - của K. rất kém. Nghi ngờ bệnh nhân bị rối loạn điều tiết, các bác sĩ chỉ định tra thuốc liệt điều tiết để kiểm tra khúc xạ. Kết quả khiến tất cả giật mình: Mắt phải của K. hoàn toàn không bị tật khúc xạ, chỉ mắt trái có dấu hiệu loạn thị nhẹ. Vậy là em đã phải “đeo oan” kính cận 4 đi ốp trong khoảng thời gian khá dài. Đây là trường hợp rối loạn điều tiết quá mức nên rất khó chữa.
Là nhân viên văn phòng, chị Nguyễn Quỳnh Nguyên (42 tuổi, ở Hà Nội) thường xuyên phải tiếp xúc với máy tính. Thấy mắt càng ngày càng kém, nhìn xa rất khó và mờ, chị quyết định đi đo mắt. Tìm đến một cửa hàng kính thuốc trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), chị được khám và được cấp kính cận 2 đi ốp. Sau khi đeo kính một thời gian, chị thấy chóng mặt, nhức đầu. Để cho yên tâm, chị lại đến một cửa hàng kính thuốc trên đường Giảng Võ (quận Ba Đình) để đo mắt. Nhân viên tại đây báo kết quả là mắt của chị vừa bị cận vừa bị loạn thị. “Hai cửa hàng kính thuốc đều quảng cáo là có thiết bị hiện đại, nhân viên được đào tạo bài bản nhưng lại cho ra hai kết quả khác nhau”, chị Quỳnh Nguyên phàn nàn.
Theo bác sĩ Lê Việt Sơn (Khoa Mắt - Bệnh viện Bạch Mai), hiện tượng cận thị giả hay gặp ở những người thường xuyên sử dụng máy vi tính. Phân biệt cận thị thực sự hay cận thị giả là điều không khó đối với thầy thuốc chuyên khoa mắt, nhưng không dễ đối với người chưa qua đào tạo và thiếu thiết bị cần thiết. Việc kết luận sai dẫn đến hệ lụy khó lường bởi sự ảnh hưởng về thị lực diễn ra âm thầm, từ từ, rất khó nhận biết.
Khó kiểm soát thị trường
Theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt trung ương, cả nước hiện có khoảng 3 triệu trẻ em mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó, số bị cận thị chiếm khoảng 2/3. Số học sinh mắc tật khúc xạ tập trung nhiều ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (chiếm khoảng từ 30% đến 40%). Trước nhu cầu gia tăng, nhiều cửa hàng kính thuốc đua nhau mọc lên. Thế nhưng, ngoại trừ một số cơ sở có uy tín, có bác sĩ chuyên khoa thực hiện khám, đo mắt và tư vấn cho khách hàng; ở các cơ sở còn lại, nhân viên bán hàng tự đo, khám mắt, ra kết luận và cắt kính.
Theo quy định của Bộ Y tế thì tại các cơ sở cung cấp dịch vụ kính thuốc, người hành nghề phải có bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp y tế trở lên; có thời gian làm công tác chuyên môn tại cơ sở chuyên khoa mắt từ hai năm trở lên, hoặc phải có chứng chỉ đào tạo về trang thiết bị y tế (vận hành, sử dụng các thiết bị đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt, mài lắp kính). Quy định là vậy nhưng trong thực tế, chất lượng kính thuốc chưa có được độ tin cậy cao do hoạt động của các cửa hàng cung cấp loại kính này chưa được kiểm soát chặt chẽ. Khi thấy nhiều khách hàng có nhu cầu mua kính thuốc, không ít cửa hàng chỉ được cấp đăng ký kinh doanh kính thời trang nhưng đã tự trang bị thêm máy đo khúc xạ, tự học phương pháp đo mắt và lắp kính thuốc.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, một thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng, trong việc kiểm tra thị trường kính thuốc, khó khăn lớn nhất là lực lượng thanh tra không có đủ người. Hiện nay, toàn ngành Y tế Hà Nội chỉ có 3 thanh tra viên về lĩnh vực khám chữa bệnh và họ phải đảm nhận quá nhiều việc, từ quản lý cơ sở hành nghề y dược tư nhân đến vấn đề an toàn thực phẩm. Khối lượng công việc quá lớn, lực lượng thanh tra “siêu mỏng” nên khó đáp ứng yêu cầu thực tế.
Khó khăn là vậy nhưng việc chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở cung cấp kính thuốc là rất cần thiết, mang tính cấp bách bởi “căn bệnh loạn kính thuốc” có thể gây ảnh hưởng xấu tới rất nhiều người và gây hậu quả khôn lường.
Theo Thu Trang (HNM)