“Con đường Tơ lụa” mở ra cơ hội làm ăn cho các công ty an ninh Trung Quốc và nước ngoài
Các công ty an ninh quốc tế và đối thủ tại Trung Quốc đang cạnh tranh nhau để giành lấy hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ cho các dự án tham gia “Con đường Tơ lụa”, do Trung Quốc khởi xướng.
Theo đó, các công ty này đưa ra đề nghị cung cấp hợp đồng bảo vệ an ninh cho hàng ngàn lao động Trung Quốc, cũng như các dự án xây dựng nhà máy điện, đường bộ, đường sắt nằm trong Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (OBOR).
Jack Wang, một huấn luyện viên người Trung Quốc làm việc cho công ty an ninh Deway, đang đào tạo kỹ năng chiến đấu cho nhân viên bảo vệ người Kenya. Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, những người đứng đầu các công ty an ninh này tỏ ra thận trọng khi cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước từ châu Phi cho đến Việt Nam thích làm ăn trực tiếp với đối tác Trung Quốc hơn và họ cũng xem nhẹ vấn đề an ninh, nhằm giảm chi phí ở mức tối thiểu.
John Jiang, giám đốc điều hành của Tập đoàn An ninh Hoa kiều (COSG), cho rằng OBOR là một cơ hội “cả đời” cho lĩnh vực an ninh.
COSG được thành lập hồi đầu năm nay và hiện hoạt động tại 6 quốc gia, gồm: Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mozambique, Campuchia, Malaysia và Thái Lan.
Tuy nhiên, theo luật pháp Trung Quốc cũng như luật pháp của các nước trên, nhân viên Trung Quốc không được mang theo hay sử dụng vũ khí. Vì vậy, COSG thường hợp tác với các công ty địa phương để hỗ trợ đào tạo nhân viên tại đây, hoặc cung cấp các dịch vụ hậu cần hay lên kế hoạch.
Chẳng hạn như tại Pakistan, nơi thường xảy ra các vụ tấn công do các tay súng hay các nhóm phiến quân gây ra, COSG liên danh với một công ty an ninh địa phương mà có quan hệ với hải quân Pakistan để cung cấp dịch vụ bảo vệ.
Theo thông tin từ truyền thông Pakistan, quân đội nước này cũng có kế hoạch cung cấp 14-15 ngàn nhân viên vũ trang để bảo vệ cho các dự án của Trung Quốc.
Công ty Trung Quốc đối đầu công ty nước ngoài
Trong khi đó, các tập đoàn an ninh lớn trên thế giới lại kỳ vọng quy mô và kinh nghiệm của họ có thể thuyết phục được các tập đoàn kinh tế Trung Quốc bỏ tiền ra thuê họ bảo vệ.
Những công ty như Control Risks hay G4S có đội ngũ an ninh từng xuất thân từ môi trường quân đội, đồng thời có nhiều năm làm việc tại những nơi bất ổn trên thế giới.
G4S cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp liên hệ với các dịch vụ của công ty này, kể từ khi OBOR bắt đầu thành hình.
Michael Humphreys, đối tác của Control Risks tại Thượng Hải, tiết lộ khoảng 1/3 hoạt động tư vấn an ninh tại Trung Quốc có liên quan đến OBOR.
Các công ty an ninh có quy mô nhỏ hơn tại Trung Quốc, như COSG, Weldon Security hay Dewei Security, lại có lợi thế hơn các công ty đa quốc gia ở chỗ: những doanh nghiệp nhà nước muốn thuê công ty Trung Quốc hơn, khi xử lý những dự án nhạy cảm.
Ước tính 5.800 công ty an ninh Trung Quốc đang hoạt động ở nước ngoài, trong đó phần lớn tập trung vào thị trường trong nước.
Không dễ để có hợp đồng
Các mối nguy hiểm mà lao động Trung Quốc đối mặt ở nước ngoài thường rất khác nhau và khó đoán.
Yu Xuezhao, một cựu quân nhân Trung Quốc làm việc cho Dewei tại Kenya, hiện giúp đào tạo hàng trăm nhân viên bảo vệ địa phương để bảo vệ cho các nhà thầu Trung Quốc tại nước này.
Yu cho biết, đa số các sự cố mà họ gặp phải là trộm cắp và các vụ tấn công. Chẳng hạn như năm 2015 từng xảy ra một vụ tấn công nhằm vào một khách sạn ở Mali, khiến 3 nhân viên của một công ty Trung Quốc thiệt mạng.
Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2010-2015 có 350 sự cố an ninh liên quan đến các công ty Trung Quốc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các công ty an ninh dễ dàng ký được hợp đồng bảo vệ.
Trong một số trường hợp, các công ty an ninh chỉ được gọi để giải quyết các trường hợp khẩn cấp, hơn là hợp tác cho một chiến lược lâu dài.
Theo lời một số lãnh đạo của các công ty an ninh, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước không chuẩn bị tốt cho vấn đề an ninh khi hoạt động ở nước ngoài.
Lê Quảng (theo Reuters)