Tổng thống Trump có chính sách ngoại giao cứng rắn hơn Obama?
Ba tháng cầm quyền chưa nói lên tất cả, song mới chỉ ngần ấy thời gian ngắn ngủn, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cả châu Á và Trung Đông "dậy sóng".
Chỉ mới lên cầm quyền được ba tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tiếp có hai quyết định đầy cứng rắn, đó là phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân ở Syria và đưa tàu sân bay nguyên tử áp sát Triều Tiên.
Đầu tiên phải kể đến là quyết định của Tổng thống Trump trong việc tiến hành một cuộc không kích đầy bất ngờ nhằm vào căn cứ không quân Syria, với lý do đáp trả vụ tấn công hóa học tại thị trấn Khan Shaikhoun, tỉnh Idlib của Syria, khiến hơn 80 dân thường thiệt mạng mà Washington nghi ngờ do chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad đứng đằng sau.
Ông Trump còn hạ lệnh cho quân đội thả một quả bom GBU-43 được mệnh danh là "Mẹ của các loại bom" xuống Afghanistan tiêu diệt nhiều phần tử khủng bố.
Trong khi đó, ông Trump cũng có hành động đe dọa Triều Tiên bằng việc điều động một nhóm tàu tấn công của Mỹ áp sát bán đảo Triều Tiên.
Những hành động trên của ông Trump làm dấy lên nhiều ý kiến cho rằng quan điểm chính sách đối ngoại của ông Trump thể hiện cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm Barack Obama.
Nhà nghiên cứu cấp cao Darrell West của Viện Brookings khẳng định, ông Trump rõ ràng có chính sách đối ngoại cứng rắn hơn ông Obama. Ông Trump quyết liệt hơn trong việc triển khai các lực lượng quân sự và dội bom xuống đối phương, trong khi ông Obama thích lựa chọn chính sách ngoại giao để giải quyết các vấn đề và chỉ sử dụng vũ lực khi không còn lựa chọn nào khác.
Ông Trump đôi khi bỏ qua lựa chọn ngoại giao và trực tiếp lựa chọn hành động quân sự. Điều này khiến lãnh đạo một số nước lo ngại chính sách của ông Trump cứng rắn hơn và bốc đồng hơn.
"Ông Trump có vẻ như thiếu kiên nhẫn với chính sách ngoại giao và nghiêng về lựa chọn quân sự nhanh chóng để thực thi các mục tiêu cụ thể" - ông West nói.
Triều Tiên là một ví dụ như vậy. Ông Trump đã cảnh báo Triều Tiên rằng ông không dung thứ cho bất kì hành động thử tên lửa và hạt nhân nào mới của Triều Tiên. Ông nhận thấy đây là mối đe dọa đối với Mỹ và các nước đồng minh. Nhưng nếu ngoại giao không đem lại kết quả như mong muốn, ông Trump tuyên bố rằng mọi sự lựa chọn, bao gồm lựa chọn quân sự, đều đang được tính đến.
Ông Dan Mahaffee, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Tổng thống và Quốc hội Mỹ, có chung quan điểm khi cho rằng chính sách đối ngoại của ông Trump phản ảnh sự sẵn sàng hơn trong việc sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết.
Trong khi đó, các cố vấn cấp cao của ông Trump như: Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, những người từng tham gia các cuộc xung đột gần đây, nhấn mạnh rằng vũ lực chỉ là một dụng cụ trong rổ công cụ chính sách đối ngoại của Mỹ.
Ông Mahaffee so sánh, ông Obama tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của việc sử dụng vũ lực, nhất là đối với cuộc xung đột ở Syria, cũng như lo ngại leo thang căng thẳng với Nga và Iran, đặc biệt khi thỏa thuận hạt nhân với Iran từng được xem là một mục tiêu chính sách đối ngoại quan trong của chính quyền.
Trong khi đó, ông Trump lại muốn chứng minh rằng Mỹ không e ngại khi sử dụng tới vũ lực để đạt được các mục tiêu chính sách đề ra và chính quyền ông Trump cũng thích cân nhắc sử dụng hành động quân sự hơn chính quyền ông Obama.
Tuy nhiên, ông Michael O'Hanlon, một chuyên gia về quốc phòng của Viện Brookings, cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận rằng ông Trump có chính sách đối ngoại cứng rắn hơn.
Ông Trump đã thả một quả "bom mẹ" xuống Afghanistan, song sức công phá của quả bom này không khác những loại bom được Mỹ thả mỗi ngày trong các cuộc chiến. Chỉ mới bao nhiêu đó chưa đủ để khẳng định rằng ông Trump nghiêng về sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề Syria, Iraq và Afghanistan. Ông Obama từng tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden và sử dụng các cuộc không kích ở mức độ chưa từng có trong tiền lệ để tiêu diệt các phần tử khủng bố trên khắp thế giới.
Giữa lúc này, nhiều người đang lo ngại rằng việc ông Trump điều nhóm tàu tấn công tới bán đảo Triều Tiên có thể khiến gia tăng căng thẳng tại khu vực.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence mới đây còn tuyên bố rằng, mọi lựa chọn đều đang được đặt trên bàn nhằm giúp Mỹ thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, cho dù đối thoại vẫn được xem là giải pháp tốt nhất.
Hồng Hà (Theo Xinhua)