Nợ tiền thuê đất: Tiền thuê đất ít, nợ hàng trăm tỉ đồng
Tiền thuê đất giao cho ngành Thuế tỉnh thu trên dưới 100 tỉ đồng/năm, chỉ chiếm con số rất nhỏ so với tổng dự toán của ngành Thuế. Cơ chế chính sách cũng đã có nhiều hỗ trợ miễn, giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động đầu tư trong nhiều lĩnh vực đặc thù. Thế nhưng, nghịch lý là khoản thu này lại đang bị nợ đọng khá lớn.
Số nợ khó thu từ tiền thuê đất của địa bàn huyện Phù Mỹ phần lớn từ DN hoạt động khai thác khoáng sản (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: VĂN LƯU
Cục Thuế tỉnh cho biết, từ năm 2013-2015, số thu từ tiền thuê đất hàng năm đạt trên dưới 100 tỉ đồng, riêng năm 2016 vọt lên 184,5 tỉ đồng, đạt 184,5% so với dự toán giao và chiếm 4,2% tổng dự toán toàn ngành. Công tác thu tiền thuê đất trên địa bàn năm 2016 tương đối thuận lợi là bởi phát sinh các dự án đầu tư lớn thuê đất trả tiền thuê đất một lần. Tuy nhiên, công tác quản lý thu tiền thuê đất hàng năm đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nhiều DN nợ tiền tỉ
Ông Phạm Ngọc Hải, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho rằng: “Tiền thuê đất chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng dự toán của ngành Thuế, nhưng đây lại là một trong những khoản thu không dễ”.
Tính đến thời điểm này, nợ tồn đọng tiền thuê đất của các tổ chức, cá nhân, DN trên địa bàn tỉnh là hơn 108 tỉ đồng nợ gốc (chưa tính tiền chậm nộp). Trong đó, số nợ rơi vào diện khó thu là 39,4 tỉ đồng; nợ chờ xử lý 51,3 tỉ đồng; nợ chờ điều chỉnh số phải nộp 11,8 tỉ đồng và nợ có khả năng thu chỉ hơn 6,4 tỉ đồng!
Huyện Phù Cát quản lý thu tiền thuê đất rất tốt, với số đơn vị nợ chỉ có 7/110 cơ sở, tuy nhiên địa phương này lại đang vướng ở số nợ lớn của riêng Công ty TNHH MTV Du lịch & Khách sạn Việt Mỹ - công trình đầu tư du lịch “treo” ở xã Cát Hải, nợ 51,1 tỉ đồng (37 tỉ đồng nợ gốc và 14 tỉ đồng chậm nộp). Nhiều năm qua, Chi cục Thuế huyện Phù Cát đã nhiều lần phối hợp Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đôn đốc, nhắc nhở nhưng “đâu vẫn hoàn đó”.
Còn địa bàn TP Quy Nhơn lại dẫn đầu với 110 tổ chức, cá nhân, DN nợ tiền thuê đất, tổng nợ 31,7 tỉ đồng. Trong số này, nợ có khả năng thu chỉ 1,5 tỉ đồng; nợ đang xử lý 2,1 tỉ đồng; còn lại là nợ khó thu 16,3 tỉ đồng và nợ chờ điều chỉnh số phải nộp 11,7 tỉ đồng. Có thể điểm mặt những cái tên đã nợ dai dẳng và cơ quan Thuế cũng đã thực hiện đến giải pháp cuối cùng là cưỡng chế đình chỉ sử dụng hóa đơn, như: Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD 405 - Bình Định (nợ 2,9 tỉ đồng); Chi nhánh Công ty TNHH MTV 508 tại miền Trung (nợ 2,1 tỉ đồng); Công ty cổ phần Đức Nhân Quy Nhơn (nợ 2,1 tỉ đồng).
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Quy Nhơn, cho rằng, số thu từ tiền thuê đất của Quy Nhơn không lớn, hàng năm khoảng 130 tỉ đồng, nhưng rất khó thu. Còn nói về lý do thì đó là “chuyện nhiều tập”, với vô vàn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, DN làm ăn thua lỗ; phần do cơ chế, chính sách.
Trong khi đó, huyện Phù Mỹ nợ 12,4 tỉ đồng thì hết 11,9 tỉ đồng là nợ khó thu, đứng đầu là Công ty cổ phần Kim Triều. “Nặng nhất của Phù Mỹ là DN nợ hầu hết hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Đáng nói, DN nợ rơi vào diện đã phá sản, hoặc từ nơi khác đến Phù Mỹ hoạt động, còn thực tế không có DN trên địa bàn huyện. Vì thế, việc đôn đốc, thu hồi và cưỡng chế nợ thuế rất khó khăn, cơ quan thuế đã thông báo đôn đốc thu nợ, gửi công văn đề nghị Cục Thuế tỉnh hỗ trợ thu, nhưng đến giờ vẫn không thu hồi được” - ông Đỗ Quang Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Phù Mỹ, cho hay.
Sử dụng đất chưa đúng mục đích, chưa hiệu quả
Theo tìm hiểu, nguyên nhân của tình trạng nợ tồn đọng nêu trên được chia thành 4 nhóm. Trong đó, nhóm nợ thông thường có khả năng thu do DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên chậm thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Với nhóm nợ chờ hoàn tất thủ tục miễn, giảm, chờ hoàn tất hồ sơ quyết toán tiền bồi thường giải phóng mặt bằng được khấu trừ vào tiền thuê đất, Cục Thuế tỉnh đang chỉ đạo các chi cục thuế địa phương khẩn trương rà soát, hướng dẫn đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ trình Cục Thuế tỉnh ban hành quyết định miễn giảm, thông báo số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng được khấu trừ vào tiền thuê đất phải nộp của đơn vị (đối với các trường hợp đã được thẩm định xác định số tiền được khấu trừ) để giảm bớt nợ đọng trên sổ sách.
Trong khi đó, nhóm nợ chờ điều chỉnh số phải nộp phát sinh nhiều vướng mắc, tồn tại nhất và liên quan đến nhiều cấp, ngành nên quá trình xem xét, xử lý và giải quyết từng trường hợp cụ thể phải mất nhiều thời gian, thông qua nhiều cơ quan. Có trường hợp cụ thể phải xin ý kiến của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế...
Cái khó nhất hiện đang rơi vào nhóm nợ khó thu do DN không triển khai thực hiện dự án; sản xuất kinh doanh thua lỗ đã phá sản, giải thể hoặc đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh... Đối với nhóm nợ này, việc đôn đốc thu nộp rất khó khăn vì không thể tổ chức làm việc với DN. Các chi cục thuế cũng đã thực hiện đầy đủ các quy trình đôn đốc nợ đảm bảo các điều kiện để phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu trình UBND tỉnh thu hồi đất.
Ông Nguyễn Mạnh Cường lo ngại tình trạng DN “thuê đất một đường nhưng làm một nẻo”, trong khi khoản tiền thuê đất của nhà nước mang tính hỗ trợ, nếu có phát hiện ra tình trạng này, cơ quan thuế có tăng lên gấp 3 lần khoản thu này thì các DN vẫn còn lời chán. Vấn đề này cũng đã từng được cơ quan Thanh tra tỉnh kết luận từ đợt kiểm tra vài năm trước. “Hiện nay, Quy Nhơn tập trung kiểm tra các đơn vị thuê đất để sử dụng sai mục đích” - ông Cường cho hay.
Trong khi đó, nhận diện những bất cập nảy sinh trong thực hiện thu tiền thuê đất của DN, ông Phạm Ngọc Hải đặt vấn đề: “Đáng ngại nhất là tình trạng DN vẫn nộp tiền thuê, nhưng không triển khai dự án. Nói một cách thẳng thừng thì đây là một dạng “giữ đất”. Sắp tới, Cục Thuế tỉnh sẽ phối hợp Sở TN-MT, Sở Tài chính và UBND các địa phương kiểm tra, rà soát điểm một số địa phương, đơn vị nợ tiền thuê đất, sử dụng sai mục đích”.
THU HIỀN