Phòng, chống một số bệnh thường gặp trong mùa hè
Hiện đang bước vào mùa hè, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp và bất thường, nắng nóng, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch, bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển, dễ lây, đặc biệt là một số bệnh dưới đây:
Bệnh sởi: Bệnh do vi-rút sởi gây ra, không có thuốc điều trị đặc hiệu, lây qua đường hô hấp. Để phòng bệnh, nên tiêm vắc-xin, cách ly khi bị bệnh và vệ sinh răng miệng, mũi họng phòng biến chứng.
Bệnh sốt xuất huyết: Hiện nay, hàng ngày vẫn tiếp tục ghi nhận ca bệnh trên địa bàn tỉnh, bệnh xảy ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố; bệnh do vi-rút Dengue gây nên qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes egypty. Bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt, vệ sinh môi trường ở trường học, công ty, công trường, nông trường, thôn xóm và khu dân cư. Đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế khi thấy các dấu hiệu: sốt cao, li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều hoặc có các biểu hiện xuất huyết nặng.
Bệnh tay - chân - miệng: Bệnh do vi-rút gây ra, chưa có vắc-xin phòng, là bệnh lây truyền qua các chất tiết mũi miệng, phân hay nước bọt, các dịch tiết từ trẻ bệnh sang trẻ lành. Phòng bệnh: Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, rửa tay sau mỗi lần vệ sinh cho trẻ. Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước sạch và xà phòng rồi khử trùng bằng Cloramin B 5%. Cách ly trẻ khi bị bệnh và vệ sinh răng miệng, mũi họng phòng biến chứng.
Bệnh tiêu chảy: Có thể là tiêu chảy thường hoặc tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả, kiết lỵ, thương hàn. Tiêu chảy thường do bị nhiễm vi-rút, hoặc các loại vi khuẩn thông thường, bệnh chứng thường nhẹ hơn và ít gây thành dịch lớn so với tiêu chảy do phẩy khuẩn tả (còn gọi là dịch tả). Mùa hè ở nước ta có khí hậu nóng ẩm nên các loại vi khuẩn dễ phát triển trong thực phẩm, thức ăn, làm cho thức ăn nhanh bị hỏng, bị ôi thiu là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp bị tiêu chảy. Để tránh không bị tiêu chảy hoặc tả, lỵ thương hàn, chúng ta cần tăng cường vệ sinh cá nhân, bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống chín.
Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu: Là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên, lây truyền theo đường hô hấp thường để lại di chứng nặng, chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt và có thể dẫn đến tử vong. Để phòng bệnh, ta nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, súc miệng, họng bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, làm việc và học tập. Chủ động tiêm phòng vắc-xin cho trẻ. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bệnh viêm não Nhật Bản: Là bệnh do vi-rút gây nên, trung gian truyền bệnh là muỗi Culex, một loại muỗi thường sống ở các vùng có nhiều ao tù và đồng ruộng lúa nước.
Nên tiêm vắc-xin phòng bệnh, khi mắc bệnh phải nhập viện sớm.
Bệnh thủy đậu: Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do vi-rút. Bệnh lây theo đường hô hấp nên dễ thành dịch. Để phòng bệnh nên tiêm vắc-xin, cách ly khi bị bệnh, vệ sinh răng miệng, mũi họng phòng biến chứng.
BS. VÕ VĂN THANH (Trung tâm TT - GDSK Bình Định)