Giảm thiểu nạn “rút ruột” tài nguyên khoáng sản: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Sau khi báo Bình Định khởi đăng loạt bài “Rút ruột tài nguyên khoáng sản: Cho đến bao giờ?” (số báo ra ngày 19 và 20.4) phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tràn lan, gây tác động không nhỏ đến môi trường, chúng tôi đã nhận được những ý kiến góp ý của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về những giải pháp để ngăn chặn hiệu quả tình trạng trên.
Việc khai thác cát quá mức đã và đang làm đập dâng Bảy Yển (TX An Nhơn) ngày một xuống cấp.
Cần công khai thông tin, tham vấn cơ quan chức năng khi cấp phép khai thác
Đây là nội dung văn bản Sở NN&PTNT vừa kiến nghị với UBND tỉnh về việc cấp phép khai thác cát trên các lòng sông, nhằm giảm thiểu tác động xấu đến hệ thống đê, kè, công trình thủy lợi.
Cụ thể, trong quá trình khảo sát, cấp phép khai thác cát cần công khai thông tin, đồng thời tổ chức tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng, các tổ chức và cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong hồ sơ xin thăm dò, khai thác phải thể hiện đánh giá sự ảnh hưởng và đề xuất giải pháp khắc phục đối với các công trình thủy lợi, đê kè trong khu vực; không cho phép khai thác cát trong phạm vi 500m thượng hạ lưu đập dâng, 300m đối với trạm bơm. Ngoài ra, giao cho UBND cấp xã tổ chức và giao cho cộng đồng giám sát việc khai thác cát tại địa phương về khối lượng, phạm vi, độ sâu khai thác; tổ chức khảo sát, đánh giá để xác định khối lượng tối đa có thể khai thác hàng năm của từng tuyến sông; tăng cường giám sát việc khai thác cát và ngừng cấp mới đối với các mỏ ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, đê kè...
Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm: Qua theo dõi, Sở thấy rằng tình hình khai thác cát diễn ra khá phức tạp, làm thay đổi lớn hình thái lòng dẫn, gia tăng sạt lở bờ sông, gây mất an toàn cho hệ thống đê kè, các đập dâng trên sông, các trạm bơm. Hiện 9/22 đập dâng do Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý đáy sông hạ lưu bị xói sâu thấp hơn sân tiêu năng; lòng sông hạ lưu các đập dâng cũng bị hạ thấp hơn sân hạ lưu 0,5 - 5,5 m, gây mất ổn định công trình. Đây là hậu quả của việc cấp giấy phép khai thác cát chưa đánh giá hết được sự ảnh hưởng đến toàn bộ tuyến sông, mà mới chỉ xem xét mức độ ảnh hưởng ở từng điểm cụ thể, cục bộ. Mặt khác, khâu hậu kiểm sau khi cấp phép cũng chưa được thực hiện chặt chẽ, chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình theo dõi, giám sát; việc xử lý vi phạm cũng chưa kiên quyết.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Tây Sơn: Cảnh sát môi trường cần vào cuộc mạnh hơn nữa
Việc quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Tây Sơn cực kỳ khó khăn. Bởi, nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu đất sét trên địa bàn huyện phục vụ cho các lò Hoffman rất lớn. Dù huyện thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, nhưng kiểm tra chỗ này thì họ chuyển sang chỗ khác. Do vậy, theo tôi, để xử lý dứt điểm hiện tượng khai thác đất trái phép, ngoài nhiệm vụ của tổ công tác ở huyện thì lực lượng Cảnh sát môi trường cần đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm tra, truy quét để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Mặt khác, chính quyền sở cũng cần bố trí lực lượng, tổ tự quản để canh gác nhằm phát hiện, xử lý kịp thời.
Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ): Cần quy định cụ thể xử lý hình sự hành vi vi phạm nghiêm trọng
Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, tôi nghĩ cần có những quy định cụ thể để xử lý hình sự các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong khai thác cát trái phép thì mới có thể lập lại trật tự kỷ cương được. Bên cạnh đó, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cũng phải vào cuộc cùng với người dân; không thể để họ đơn độc trong lĩnh vực này.
Ông Huỳnh Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú (huyện Tây Sơn): Có sự giám sát của Mặt trận, người dân đối với các điểm khai thác
Vấn nạn khai thác đất, cát đang diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Tây Sơn; trong đó, có xã Tây Phú là việc rất nghiêm trọng, gây thất thoát nguồn tài nguyên, khiến nhân dân bất bình. Tôi nghĩ điều cần làm ngay là phải có quy hoạch các điểm khai thác đất, trong đó có sự phân công giám sát của Mặt trận, người dân đối với các điểm khai thác này. Khi đó, cơ sở khai thác nào không được cấp phép thì người dân sẽ có ý kiến. Thực tế, để ngăn chặn nạn khai thác khoáng sản trái phép, xã chúng tôi đã thành lập 2 tổ bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Mỗi tổ có 12 thành viên, gồm có lực lượng công an, cán bộ địa chính, dân quân xã cùng thôn trưởng.
TRỌNG LỢI (ghi)