Những thành tích đáng kính nể của vị giáo sư người Bình Định
Từ một cậu bé bán thuốc lá dạo ở chợ Gò Vấp, cày thuê cuốc mướn nhưng với quyết tâm và nỗ lực, Giáo sư Trương Nguyện Thành đã trở thành giảng viên đại học nổi tiếng ở Mỹ và mới trở về Việt Nam để cống hiến và sáng tạo.
Hình ảnh Giáo sư Trương Nguyện Thành mặc trang phục "phá cách" giảng bài cho sinh viên. Ảnh: Vũ Anh
Giáo sư Trương Nguyện Thành sinh năm 1961 ở Quy Nhơn, Bình Định. 11 tuổi, ông theo gia đình vào Sài Gòn. Không lâu sau, ba ông lâm bệnh. Để đỡ đần ba mẹ, Trương Nguyện Thành đã đi bán thuốc lá dạo ở chợ Gò Vấp.
Năm 16 tuổi, gia đình ông chuyển về quê ngoại ở Lái Thiêu (Bình Dương), mua một miếng ruộng nhỏ để cày cấy. Buổi tối, dù mệt mỏi vì phải đi làm thuê, nhưng ông vẫn cố thắp đèn dầu lên học. Nhờ sự dìu dắt của những người thầy tâm huyết, Trương Nguyện Thành đã phát huy được tài năng thiên bẩm của mình, liên tiếp nằm trong đội tuyển tham dự các kỳ thi toán trong nước và quốc tế.
Năm 18 tuổi, Trương Nguyện Thành giành được học bổng đại học tại Mỹ. Năm 1985, ông tốt nghiệp Đại học North Dakota loại giỏi. Ngoài bằng Hóa học, Trương Nguyện Thành còn lấy luôn bốn bằng phụ về Lý, Toán, Kế toán và Công nghệ thông tin.
Năm 1990, thầy tiếp tục lấy bằng Tiến sĩ và giành được Giải thưởng của Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ. Năm 1992, Đại học Utah (Mỹ) mời thầy về làm Giáo sư chính thức giảng dạy môn hóa lượng tử. Với nhiều thành tích, đóng góp trong quá trình giảng dạy, đào tạo và được ghi nhận tài năng, Trương Nguyện Thành được phong Giáo sư Cao cấp khi mới 41 tuổi. Ông trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hóa tính toán và phát triển hạ tầng cơ sở tính toán, là một trong số rất ít những nhà khoa học Việt Nam có thành tựu khoa học nổi bật ở tầm quốc tế.
Năm 2005, ông được mời về nước để diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán, chuẩn bị cho việc phát triển ngành khoa học mới mẻ này tại Việt Nam. Sau đó, Giáo sư Thành được mời tham gia đề án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP.Hồ Chí Minh.
Vì tình yêu dành cho quê hương và nhận thấy trong nước còn rất nhiều sinh viên tài năng không có cơ hội, thầy Thành đã dùng tiền nghiên cứu để cấp học bổng cho một số sinh viên Việt Nam sang nghiên cứu ở Mỹ. Sau 38 năm ở Mỹ và thành danh trên con đường khoa học, GS Trương Nguyện Thành đã quyết định trở về nước, nhận chức Hiệu phó điều hành Trường Đại học Hoa Sen, với tâm nguyện xây dựng một trường đại học đẳng cấp.
Những giờ qua, hình ảnh thầy Trương Nguyện Thành mặc quần cộc, áo thun ngồi giảng bài cho sinh viên đã lan truyền chóng mắt trên mạng xã hội. Nhiều quan điểm, nhiều ý kiến được đưa ra. Người bênh, kẻ chê.
Theo thầy Thành, việc ông ăn mặc trang phục đó, trong một tiết học có liên quan đến chủ đề tư duy sáng tạo là điều hết sức bình thường. "Sáng tạo không có khuôn mẫu, không có giới hạn"- là thông điệp thầy muốn truyền tải đến học sinh của mình thông qua việc mặc trang phục "phá cách" như vây.
tHEO BÍCH HÀ (LĐO)