Cần quy hoạch tổng thể đầm Thị Nại
Ðầm Thị Nại nằm về phía Ðông Bắc TP Quy Nhơn, là một đầm nước mặn - lợ, diện tích tự nhiên khoảng 5.000 ha, dài hơn 15 km, chiều ngang chỗ rộng nhất gần 5 km, là nơi cuối cùng của 2 con sông Côn và Hà Thanh chảy ra biển. Ðầm Thị Nại có nhiều nguồn lợi thủy hải sản và được ví như “lá phổi xanh” của TP Quy Nhơn và vùng phụ cận. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, thời gian qua, môi trường sinh thái và nguồn lợi của đầm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cần sớm có kế hoạch bảo tồn, gìn giữ; trước hết cần quy hoạch tổng thể đầm Thị Nại.
Đê khu Đông đoạn qua địa bàn xã Phước Hòa (Tuy Phước) vừa được nâng cấp kiên cố.
Nhiều bất cập
Hiện nay, đầm Thị Nại mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân địa phương các xã phía Đông Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn, về khai thác thủy hải sản như: cá, tôm, cua, hàng năm từ 600 đến 700 tấn. Ngoài ra còn có gần 1.000 ha diện tích nuôi tôm và các loài hải sản khác mang lại hàng năm gần 500 tấn hải sản. Đầm tiếp nhận lưu lượng lũ từ sông Côn và sông Hà Thanh qua hệ thống đê Đông làm chậm tiêu lũ cho vùng hạ lưu, giảm tốc độ xói lở các cửa sông và lắng đọng bùn cát trước khi chảy ra biển. Trong đầm có nhiều chỗ cao có người dân sinh sống; men theo các lạch nước được trồng các loại cây đước, mắm tạo nên phong cảnh rừng ngập mặn rất đẹp và hữu tình, như Cồn Chim, Cồn Giá, Cồn Trạng…, cần được bảo tồn và gìn giữ môi trường sinh thái.
Tuy nhiên việc quy hoạch tổng thể vùng xung quanh đầm và mặt nước trong đầm chưa được quản lý một cách chặt chẽ, dẫn đến việc xây dựng nhiều khu dân cư ở khu vực thượng và hạ lưu đê Đông, xâm lấn dòng chảy lũ; xây dựng các công trình hồ tôm, ao cá, đường giao thông… gây cản trở dòng chảy lũ và làm chậm quá trình tiêu thoát lũ, trong khi tỉnh ta là tỉnh ven biển mà thoát lũ chậm, đây là vấn đề khó khăn nhất hiện nay.
Cụ thể, trong năm 2016 thời gian làm giảm mực nước cho một đợt lũ thường kéo dài từ 5 đến 8 ngày, gây ngập lụt cho các xã ven đê. Trong đầm có nhiều khu dân cư sinh sống diện tích xây dựng ngày càng mở rộng, cùng với nhiều hồ nuôi tôm, cá, chiếm nhiều diện tích dòng chảy, làm cho dòng chảy trong đầm bị thu hẹp tạo lưu tốc lớn nên lượng bùn cát không lắng đọng được và trôi ra biển, làm cho nước biển không còn trong xanh trong các tháng mùa lũ. Mặt khác, hiện nay người dân trong khu vực này sử dụng nhiều lưới lồng có mắt lưới rất nhỏ để đánh bắt các loại hải sản, làm cho nguồn lợi thủy hải sản trong đầm dần dần bị cạn kiệt.
Nhiều hộ dân ở xã Phước Sơn lấn chiếm mặt đầm Thị Nại để nuôi trồng thủy sản. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Cần quy hoạch tổng thể
Để sử dụng hiệu quả và phát triển bền vững vùng đầm Thị Nại, rất cần phải có một quy hoạch tổng thể khu vực đầm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế hải sản, thoát lũ tốt, môi trường thiên nhiên trong sạch; đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, đô thị sinh thái ven đầm.
Trước hết, cần ưu tiên cho vấn đề thoát lũ, thượng hạ lưu của các cống, tràn trên đê phải mở rộng, thông thoáng đảm bảo lưu lượng lũ tương ứng với tần suất thiết kế 10% và tần suất kiểm tra 5% để rút ngắn thời gian ngập lụt khu vực thượng lưu đê.
Nạo vét làm cho các lạch, dòng chảy trong đầm được mở rộng để lưu tốc trong đầm là nhỏ nhất có điều kiện bồi lắng bùn cát trong đầm không mang ra làm đục biển Quy Nhơn. Tuyệt đối nghiêm cấm người dân sử dụng lưới lồng tận thu hải sản, làm cạn kiệt môi trường sống của các loài hải sản. Hạn chế việc xây dựng thêm các nhà ở và phát triển dân cư trong khu vực đầm.
Song song với những vấn đề trên, cần tăng cường công tác trồng rừng ngập mặn và bảo vệ nghiêm ngặt rừng ngập mặn và các loài chim di trú; kết hợp với định hướng phát triển du lịch sinh thái trong đầm. Ven đầm về phía Đông cần có hệ thống giao thông xây dựng các khu nhà ở sinh thái hoặc đô thị ven đầm.
Đầm Thị Nại là sản vật vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Bình Định. Định hướng cho việc làm trên chắc chắn còn khó khăn và lâu dài, tùy thuộc vào kinh tế và sự đồng lòng của người dân cũng như cán bộ chung tay gìn giữ môi trường trong phát triển kinh tế bền vững.
TRẦN CHÂU