Vẫn còn nhiều người vi phạm Luật Ðường sắt
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, làm 7 người chết và 2 người bị thương. Nguyên nhân tất cả các vụ tai nạn trên đều xuất phát từ các hành vi vi phạm Luật Ðường sắt.
Đường ngang qua đường sắt tại thôn Cảnh An, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước - nơi xảy ra vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng ngày 24.4 - có hệ thống cảnh báo tự động. Tuy vậy, tài xế ô tô vẫn cố cho xe vượt qua đường sắt dù lúc này đã có đèn tín hiệu cảnh báo và còi, dẫn đến tai nạn.
Vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra tại thôn Cảnh An, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước vào chiều 24.4, làm 4 người thiệt mạng và 2 người bị thương, một lần nữa cho thấy, các quy định của pháp luật về giao thông đường sắt bị vi phạm nghiêm trọng, dẫn đến hậu quả thảm khốc. Người điều khiển ô tô vẫn cố cho xe vượt qua đường sắt dù lúc này đã có đèn tín hiệu cảnh báo và còi. Do tốc độ cao và cự ly gần nên tàu hỏa không thể tránh kịp.
Cũng vì vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn tàu chạy mà mới đây, cơ quan chức năng huyện Vân Canh đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, bị can đối với ông Đinh Văn Hóa (SN 1968, trú thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) là nhân viên gác chắn Đội đường sắt Vân Canh (thuộc Công ty CP Đường sắt Phú Khánh) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt. Cụ thể, sau khi nhận điện báo có tàu xin đường, ông Hóa mở thông đường sắt nhưng không đóng chắn đường ngang, không bật tín hiệu đèn cảnh báo, không cầm cờ đứng đón và tiễn tàu đi qua, mà lại tiếp tục vào phòng gác chắn điện hỏi lại trực ban thời gian tàu chạy qua, nên đã dẫn đến vụ TNGT đường sắt khiến 2 người tử vong vào ngày 18.3.
Luật Đường sắt ra đời, có hiệu lực thi hành từ năm 2005, cùng với rất nhiều thông tư hướng dẫn thi hành, nghị định quy định xử phạt vi phạm. Cụ thể, các hành vi vi phạm quy định về đảm bảo ATGT đường sắt sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 10 triệu đồng. Các hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông tại đường ngang, cầu chung, hầm, như: vượt rào chắn đường ngang qua đường sắt khi đèn đỏ đã bật sáng, không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc hướng dẫn của nhân viên gác đường ngang... thì bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 5 triệu đồng (Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ). Tuy vậy, những hành vi vi phạm như: Lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, không tuân thủ khoảng cách an toàn đường sắt, phơi rơm, rạ, nông sản, để các vật phẩm trên đường sắt… vẫn diễn ra khá nhiều ở các địa phương trong tỉnh, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường sắt, lực lượng đã phát hiện, lập biên bản gần 50 trường hợp vi phạm, đồng thời phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức tháo dỡ nhiều trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường sắt; kiến nghị khắc phục một số tồn tại như: không có gờ giảm tốc hai phía đường bộ đi vào đường sắt, vạch dừng cả hai phía bị mờ, tầm nhìn bị che khuất, mặt đường bộ bị bong tróc tạo ổ gà… ”.
Tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài 146,3 km, hiện có 222 điểm đường bộ và đường sắt giao cắt đồng mức, gồm 23 đường ngang có gác, 10 đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động, 11 đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động có cần chắn tự động, 22 đường ngang phòng vệ bằng biển báo, 44 đường dân sinh và 112 lối đi. Trung bình mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu khách, tàu hàng chạy qua địa bàn tỉnh, với vận tốc không dưới 50 km/giờ, vậy nên chỉ cần một hành vi vi phạm đảm bảo an toàn tàu chạy là có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, như những vụ tai nạn vừa nêu trên.
Mở đầu cuộc họp trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo ATGT toàn tỉnh quý I.2017 vào chiều 24.4, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng, một trong những việc làm cấp bách hiện nay là cần đảm bảo ATGT đường thủy nội địa và đường sắt.
Trong quá trình họp, sau khi nhận thông tin về vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra trên địa bàn xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, làm 4 người chết và 2 người bị thương, ông Hồ Quốc Dũng lập tức chỉ đạo: “Trong thời gian tới, yêu cầu các ngành liên quan, chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua phải rà soát toàn bộ đường ngang dân sinh, những đường ngang không hợp pháp. Ðoạn đường nào cần thiết thì phải làm gác chắn để đảm bảo an toàn cho người dân, những đoạn nào bất hợp lý và không đảm bảo cần xóa bỏ ngay. Yêu cầu các đơn vị liên quan, địa phương tiến hành rà soát ngay trong tuần và báo cáo lại để kịp thời chấn chỉnh, quyết không để xảy ra những vụ việc đau lòng như trên”.
KIỀU ANH