Lùm xùm chuyện làm đường BTXM tại xã Bình Thuận (Tây Sơn): Nên vì lợi ích chung
Một số hộ dân ở xóm 3, thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận (Tây Sơn) gửi đơn đến ngành chức năng phản ảnh có dấu hiệu tiêu cực trong quá trình thi công bê tông xi măng (BTXM) tuyến đường giao thông nông thôn tại địa phương. Thực hư vụ việc như thế nào?
Tuyến đường giao thông nông thôn từ Gò Giang đến chùa Thuận Truyền đã hoàn thiện việc BTXM, nhưng chưa thể nghiệm thu do có đơn thư phản ảnh.
Từ ngày 9.3 - 5.4.2017, đường giao thông nông thôn từ khu vực Gò Giang đến chùa Thuận Truyền (thuộc xóm 3, thôn Thuận Truyền) được đổ BTXM theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuyến đường dài 875m, rộng 2,5m, dày 0,16m; trong đó tỉnh hỗ trợ hơn 94 tấn xi măng, huyện Tây Sơn và xã Bình Thuận hỗ trợ hơn 77 triệu đồng; 77 hộ gia đình ở xóm 3 đều góp 1,8 triệu đồng/hộ.
Trước khi thi công, xóm 3 đã họp và bầu Ban quản lý công trình gồm 7 người, do ông Tạ Văn Đoàn - Xóm trưởng xóm 3 làm Trưởng ban. Ban quản lý ký hợp đồng mua 383m3 cát (giá 90.000 đồng/m3) và 281,6m3 đá (giá 270 ngàn đồng/m3) của ông Phan Trọng Sơn; hợp đồng thi công với ông Tạ Hồng Thanh với giá tiền công 130 ngàn đồng/m3.
Tuy nhiên, sau khi làm đường xong, 8 hộ dân ở xóm 3 gửi đơn đến ngành chức năng phản ảnh: tuyến đường thi công không đúng kỹ thuật làm mặt đường gồ ghề; đường bị uốn cong nhiều đoạn; mặt đường vừa làm xong xuất hiện nhiều vết nứt. Ngoài ra, Ban quản lý công trình mua đá, cát không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, nhưng yêu cầu người dân ký xác nhận để được rút tiền hỗ trợ; tự ý đổ đoạn đường trước cổng chùa Thuận Truyền rộng hơn quy định.
Ông Tạ Văn Đoàn lý giải: Vì muốn mua giá vật liệu thấp hơn nên Ban quản lý không lấy hóa đơn đỏ, nhưng đều có ghi chép rõ ràng và có hợp đồng cụ thể. Đường có nhiều đoạn uốn cong là do làm theo hiện trạng đường đất trước đây, nếu nắn thẳng sẽ không có tiền bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Đoạn trước cổng chùa Thuận Truyền đổ rộng hơn là do đại diện nhà chùa yêu cầu, xi măng nhà chùa tự mua và nhà chùa đóng góp thêm kinh phí (ngoài khoản 1,8 triệu đồng theo quy định).
Ông Đoàn cho biết thêm: “Chúng tôi làm công khai, minh bạch với tinh thần nhân dân cùng làm, cùng hưởng lợi; không hề vụ lợi cá nhân. Đường có nhiều khúc cua, một số đoạn mặt đường không bằng phẳng, xuất hiện vết nứt là bởi do kinh phí có hạn nên chủ yếu thuê nhân công trong xóm, không đảm bảo trình độ kỹ thuật. Đến ngày 20.4, có 62/77 hộ đóng tiền được 71,9 triệu đồng (nhiều hộ chưa đóng đủ 1,8 triệu đồng-PV). Do một số hộ dân có đơn phản ảnh nên đường chưa được nghiệm thu. Tiền hỗ trợ cũng chưa được chuyển về”.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, sau khi có đơn phản ảnh, đầu tháng 4.2017, UBND xã phối hợp với các ban, ngành của xã và đơn vị thiết kế kiểm tra việc đổ BTXM tuyến đường tại xóm 3. Thực tế, một số vị trí mặt đường không bằng phẳng và xuất hiện vết nứt, nhưng rất nhỏ và do lỗi kỹ thuật. Nhìn chung, tuyến đường vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng, chỉ hạn chế về mặt mỹ quan. Ban Quản lý công trình công khai, minh bạch về tài chính. Cũng theo ông Dũng thì: “Xã đã mời các hộ có đơn phản ảnh làm việc, giải thích, nhưng họ chưa đồng tình và tiếp tục khiếu nại. Sắp tới, UBND xã sẽ tổ chức họp toàn thể nhân dân để giải thích rõ ràng, nhằm giải quyết dứt điểm, sớm tổ chức nghiệm thu tuyến đường và làm thủ tục giải ngân tiền hỗ trợ”.
VĂN LỰC