Hoài Nhơn: Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái
Những năm qua, Đảng bộ huyện Hoài Nhơn đã đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X). Từ đó, tình hình KT-XH của huyện đã có những chuyển biến tích cực; nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện về chiến lược biển được nâng cao.
Hoài Nhơn có lợi thế bờ biển dài 23km với 2 cửa sông lớn nên ngành thủy sản đã mang lại giá trị kinh tế đáng kể cho huyện. Những năm qua, giá trị sản xuất ngư nghiệp của Hoài Nhơn tăng bình quân trên 18%/năm. Hàng năm, ngành thủy sản giải quyết việc làm thường xuyên cho 19,5% lao động toàn huyện. Điều đó đã khẳng định tính ưu việt khi thực hiện các mục tiêu chiến lược biển đối với địa bàn của huyện, tạo ra niềm tin và cơ hội nhằm khuyến khích đầu tư vào kinh tế biển, trên cơ sở đó tạo đà phấn đấu đưa Hoài Nhơn trở thành huyện mạnh về biển, làm giàu từ biển, kết hợp với đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng phía Bắc tỉnh.
Phát huy tiềm năng và lợi thế
Đến nay, toàn huyện có trên 200 nhóm, tổ đoàn kết sản xuất với trên 850 tàu tham gia, tăng trên 140 tổ so năm 2010, đạt hơn 57% số tàu đánh bắt xa bờ. Đây là cơ sở quan trọng trong việc chỉ đạo thực hiện các mục tiêu chiến lược của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) đến năm 2020, nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và lợi thế của vùng biển, từng bước xây dựng vùng biển của huyện trở thành một vùng kinh tế phát triển năng động; tăng cường hợp tác đấu tranh giữ vững an ninh, quốc phòng và khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Hai năm qua, nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chỉ đạo tập trung của các cấp, các ngành, ngư dân huyện đã đóng mới, cải hoán tàu có công suất lớn để khai thác hải sản xa bờ. Hiện nay toàn huyện có 2.395 tàu, tổng công suất trên 455.900CV, tăng 177.467CV so năm 2010. Trong đó, tàu công suất từ 90CV trở lên chiếm 64,5% tổng số tàu thuyền.
Để hỗ trợ cho các tàu đánh bắt xa bờ, các dịch vụ hậu cần nghề cá cũng phát triển mạnh. Khu chế biến thủy sản Tam Quan Bắc có 5 doanh nghiệp và 12 cơ sở đang hoạt động sản xuất kinh doanh thu mua, chế biến hải sản, cơ khí tàu thuyền, sản xuất đá lạnh, nước mắm. Xuất khẩu thủy sản năm 2012 của Hoài Nhơn đạt 5 triệu USD.
Nhiều năm qua, huyện Hoài Nhơn đã tập trung vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế trên địa bàn. Các công trình đã được xây dựng là công trình thiết yếu và cấp bách để phục vụ đời sống dân sinh vùng ven biển, đảm bảo tính chiến lược về kinh tế, quốc phòng, tạo nền tảng để kêu gọi thu hút vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn như: Bê tông hóa 100% đường trục xã và bê tông, cứng hóa trên 58% đường trục thôn; bê tông, cứng hóa 26% đường ngõ xóm; xây dựng kè chống xói lở khu dân cư thôn Trường Xuân Tây; đưa bến cá thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc đi vào hoạt động; xây dựng các trụ để neo đậu tàu trong khu neo đậu Tam Quan... Bên cạnh đó, huyện cũng đang xúc tiến để xây dựng Cảng hàng hóa Tam Quan; khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bãi Dài; kè đê biển Tam Quan Bắc; nạo vét cồn Rớ; nâng cấp cầu Thiện Chánh để mở rộng khu neo đậu tàu thuyền.
Khai thác đi đôi với bảo vệ
Trong những năm gần đây, do quá trình đô thị hóa và tốc độ phát triển KT-XH của huyện tăng nhanh, mức độ ảnh hưởng đến môi trường và nguồn tài nguyên biển cũng ngày càng gia tăng, huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành nâng cao công tác quản lý, sắp xếp lại cơ cấu nghề nghiệp và tổ chức lực lượng sản xuất, khai thác nguồn tài nguyên biển hợp lý, hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái biển do quá trình khai thác, sản xuất gây ra.
Cùng với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hợp lý và mang tính chiến lược về phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng tuyến biển, huyện đã tập trung đầu tư mua sắm trang thiết bị như ca nô, xuồng máy, hỗ trợ dự án cấp nước sạch.
Tuy nhiên, việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào khai thác chưa đồng bộ, phần lớn tàu thuyền chưa đầu tư đầy đủ các trang thiết bị nên năng suất, hiệu quả khai thác hải sản chưa cao; việc bảo quản sản phẩm sau khai thác chưa tốt nên giá trị sản phẩm chưa cao; mô hình tổ đoàn kết khai thác hải sản chưa được nhân rộng; ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của ngư dân còn hạn chế, vẫn còn tình trạng dùng xung điện, xiếc máy, ngư lưới cụ mắt nhỏ, đèn cao áp cực mạnh… để khai thác hải sản, làm hủy diệt môi trường, nguồn lợi thủy sản.
Lãnh đạo huyện Hoài Nhơn đã nhận thấy và đang nỗ lực khắc phục những hạn chế trên để thời gian tới thực hiện Chiến lược biển đảo Việt Nam đến năm 2020 đạt kết quả tốt hơn.
L.Q