ASEAN sẽ bàn về thương mại và tranh chấp trên Biển Đông
Cuối tuần này, lãnh đạo các quốc gia thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ nhóm họp tại thủ đô Manila (Philippines).
Cảnh sát Philippines chuẩn bị các phương án bảo vệ an toàn cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, diễn ra tại Manila trong hai ngày 28-29.4. Ảnh: AFP
Các chuyên gia dự đoán thương mại và tranh chấp trên Biển Đông sẽ là hai vấn đề trung tâm trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này.
Bộ quy tắc ứng xử
Kể từ năm 2010, Trung Quốc và ASEAN nhiều lần thảo luận để đưa một bộ quy tắc ứng xử (COC) và tránh xung đột trong các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.
Hiện nay, các bên đặt mục tiêu hoàn tất bộ khung COC vào tháng 6 tới.
Giám đốc các chương trình chính trị, thuộc Viện các vấn đề quốc tế (Singapore) Lee Chen Chen cho rằng, COC sẽ là một cơ chế hữu ích cho ASEAN để đàm phán với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, vì chiến thuật hiện nay của Bắc Kinh là đàm phán song phương.
Mặc dù Singapore không phải là một trong những nước có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng bà Lee cho rằng Singapore cũng có lợi ích ở đây, do nền kinh tế nước này phụ thuộc vào tự do hàng hải ở Eo biển Malacca và các vùng biển quanh Singapore.
Đối tác kinh tế toàn diện khu vực
Một vấn đề khác có thể là chủ đề chính tại hội nghị lần này là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
RCEP được ASEAN khởi xướng cách đây 5 năm và đã trải qua 17 vòng đàm phán. Năm nay, nước giữ quyền chủ tịch luân phiên của ASEAN là Philippines bày tỏ hy vọng các bên sẽ đạt được thoả thuận vào cuối năm.
Tuy nhiên, nghiên cứu sinh James Crabtree, thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, cho rằng sẽ rất khó để đạt được thoả thuận về RCEP, “vì điều này cần hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, là Trung Quốc và Ấn Độ, đạt được thoả thuận”.
Đây cũng là năm kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và các chuyên gia đề nghị tổ chức này nên chú trọng hơn đến vấn đề con người và xây dựng một cộng đồng hội nhập hơn.
Lê Quảng (theo CNA)