Tổng thống Pháp kêu gọi người dân thức tỉnh trước hiểm họa cực hữu
Trong những ngày qua, các chính trị gia cũng như các lãnh đạo quan trọng của Pháp đều kêu gọi cử tri dồn phiếu cho ông Emmanuel Macron.
Trong những ngày qua, các chính trị gia cũng như các lãnh đạo quan trọng của Pháp đều kêu gọi cử tri dồn phiếu cho ông Emmanuel Macron, để ngăn chặn kịp thời nguy cơ nước Pháp có thể có một nữ Tổng thống là người của phe cực hữu.
Dường như các điểm trong tranh cử trước đây như việc làm, kinh tế, an ninh hay gắn kết Liên minh châu Âu (EU), không còn nhiều sức ảnh hưởng như vòng 1 thì giờ đây yếu tố cực hữu được coi là có ý nghĩa quyết định. Kịch bản của 15 năm trước lặp lại, và câu hỏi là liệu nước Pháp có đạt được sự đoàn kết mạnh mẽ như vậy, khi mà sau 15 năm, chính sách của cực hữu dưới sự lãnh đạo của bà Le Pen cũng mềm mỏng hơn và bối cảnh châu Âu và nước Pháp cũng tạo lợi thế tăng điểm cho cực hữu hơn.
Hai ứng viên tổng thống Pháp Macron và Le Pen
Suốt trong những ngày qua, hai ứng cử viên lọt vào vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ráo riết có các cuộc vận động tại các địa phương. Chủ đề chính vẫn là thuyết phục cử tri ủng hộ chương trình hành động và chiến lược quản lý tương lai của họ.
Phát biểu trên truyền hình tối qua, ứng cử viên số một cho chiếc ghế Tổng thống Pháp Macron tuyên bố không có ý định thay đổi chương trình tranh cử khi bước vào vòng hai. Ông tuyên bố "ưu tiên của tôi là muốn xoa dịu một đất nước đang đầy ngờ vực, trong đó có nhiều người không có lòng tin nơi tôi.”
Ông Macron cũng chỉ trích tư tưởng "tàn bạo" của ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, chỉ trích cả phe tả và hữu đã không nhận trách nhiệm góp phần vào sự thăng tiến của đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu. Đồng thời, ông Macron bày tỏ nuối tiếc trước việc ứng cử viên Jean Luc Melenchon của đảng Nước Pháp bất khuất đến nay vẫn chưa bày tỏ quan điểm sẽ chống cực hữu trong vòng hai cuộc bầu cử.
Trước đó, bà Marine Le Pen đã chĩa mũi dùi chỉ trích trực tiếp nhằm hạ bệ đối thủ khi gọi ông Macron là "một Francois Hollande bé" - ý là nhân vật giống đương kim Tổng thống và được ông Hollande nâng đỡ và ám chỉ cũng sẽ điều hành kém như ông Hollande. Điểm đáng chú ý là bà Le Pen dùng đến con bài "lập lờ" khi tuyên bố "nghỉ phép" trong vai trò làm Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia và chỉ còn hành động với tư cách một "ứng cử viên Tổng thống". Ai cũng hiểu rằng biện pháp này là để xóa đi hình ảnh mất thiện cảm về "cực hữu" trong mắt cử tri Pháp, lập lờ để thu hút thêm lá phiếu.
Tiếp sau vòng 1 cuộc bầu cử, giới phân tích Pháp đang giải mã nhiều chỉ số quan trọng, đặc biệt nghiên cứu những đối tượng nào đã bầu cho ai. Đáng chú ý, cử tri ở nhiều vùng nông thôn đã bầu cho ứng cử viên cực hữu, trong khi cử tri ở các khu dân cư trung và cao cấp đã bỏ phiếu cho ông Macron. Việc phân tích xu hướng bầu cử của các nhóm cử tri trong tổng số gần 47 triệu cử tri Pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để dự đoán kết quả vòng hai.
Trong một diễn biến khác, hôm qua, Tổng thống Hollande đã bày tỏ lo ngại về "mức ý thức" của người dân Pháp trước mối hiểm họa cực hữu và tỷ lệ cao mà bà Le Pen đã đạt được trong cuộc bầu vòng 1. Ông Hollande tuyên bố điều nguy hiểm là nhiều người không để ý đến điểm quan trọng nhất rằng chính bà Marine Le Pen đã có thể vào được đến vòng hai. Rằng cực hữu đã có mặt trong vòng hai một cuộc bầu Tổng thống. Theo ông, cần phải nghiêm túc và gấp rút huy động cử tri bỏ một "lá phiếu hữu ích" và tái khẳng định mình sẽ bầu cho ông Macron lãnh đạo Phong trào Tiến bước.
Rõ ràng nước Pháp hiện đang tập trung tổng lực, như lời Tổng thống Francois Hollande, là để đẩy lùi Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu xuống mức thấp nhất có thể. Nhớ lại cách đây 15 năm, nước Pháp đã huy động dồn phiếu cho ông Jacques Chirac chống lại ông Jean-Marie Le Pen; và tỷ lệ cuối cùng khá ngoạn mục là ông Chirac thắng với tỷ lệ 82-18 %. Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận hôm chủ nhật cho thấy chỉ có khoảng 62-64 % sẽ bầu cho ông Macron, trong khi mức tương ứng cho bà Le Pen là khoảng 36-38 %./.
Theo Thùy Vân (VOV.VN)