Giá dầu có liên quan chặt chẽ đến chi tiêu quân sự của các nước
Chính phủ các nước thường tăng chi tiêu quân sự khi tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang, hoặc khi nhận thấy mối đe dọa về an ninh. Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng cũng liên quan chặt chẽ với giá dầu thế giới.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong 10 năm qua, việc các nước tăng hay giảm chi tiêu cho quân đội thường gắn liền với xu hướng tăng, giảm của giá dầu.
Theo SIPRI, mối liên kết này tồn tại, một phần là do ngân sách hàng năm của các quốc gia xuất khẩu dầu phụ thuộc phần lớn vào giá dầu. Nếu một nước sản xuất dầu có lợi nhuận thu được từ dầu mỏ cao trong một năm, thì nước đó có thể chi thêm tiền cho các dự án khác, bao gồm cả chi tiêu quốc phòng.
Báo cáo của SIPRI cho rằng, sự sụt giảm của giá dầu thế giới và các vấn đề kinh tế liên quan đã buộc nhiều nước xuất khẩu dầu cắt giảm ngân sách chung. “Trong một số trường hợp, sự sụt giảm này nghiêm trọng đến mức tác động đến cả khu vực và tiểu vùng, như châu Phi và Nam Mỹ,” báo cáo này viết.
Giá dầu thế giới bắt đầu giảm vào năm 2014 và sau đó tiếp tục giảm sâu, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định không cắt giảm sản lượng dầu. Số liệu thống kê cho thấy, giá dầu thô giảm từ hơn 100 đô la Mỹ/thùng vào tháng 6.2014 xuống còn khoảng 30 đô la Mỹ/thùng vào tháng 1.2016.
Từ năm 2015 đến 2016, nhiều nước sản xuất dầu, như Venezuela, Nam Sudan, Angola, Azerbaijan và Iraq, bắt đầu giảm chi phí quốc phòng. Số liệu của SIPRI cũng cho thấy, trong số 15 nước cắt giảm chi tiêu quân sự nhiều nhất kể từ năm 2015, chỉ có 2 quốc gia không phải là nước xuất khẩu dầu, gồm: Guinea và Zambia.
Một khu vực khác cũng có xu hướng tương tự, là Trung Đông. Mặc dù không có số liệu đầy đủ về một số nước, nhưng nhìn chung chi tiêu quân sự của các nước ở khu vực này trong năm 2016 giảm khoảng 17%, so với năm trước đó.
Tuy nhiên, đây chỉ là một xu hướng chung, chứ không phải đúng tuyệt đối với mọi trường hợp. Có nhiều nước sản xuất dầu, như Kuwait hay Na Uy vẫn có thể giữ nguyên chi tiêu quốc phòng trong năm 2016.
Lê Quảng (theo Business Insider)