Bộ Tư pháp: Không cấm nhà báo, người dân ngụy trang ghi âm, ghi hình
Bộ Tư pháp sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm định theo hướng quy định điều kiện kinh doanh mà không quy định đối tượng sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình.
Bộ Tư pháp tổ chức họp báo quý I/2017 .
Tại họp báo quý I/2017 của Bộ Tư pháp vào sáng 26.4, báo chí đặt câu hỏi xung quanh đề xuất của Bộ Công an “chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”. “Nếu quy định này được ban hành sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động thu thập chứng cứ, đấu tranh chống tiêu cực của nhà báo, công dân, luật sư?”.
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an chủ trì xây dựng “đã đến Bộ Tư pháp lần thứ 3”.
“Cơ quan chủ trì soạn thảo đã “thai nghén” Nghị định này mấy năm rồi, Bộ Tư pháp cũng 2 lần thẩm định nhưng Chính phủ chưa ban hành được bởi lý do trong danh mục được ban hành kèm Luật Đầu tư, việc kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị chưa có tên trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung điều 6, bổ sung phụ lục danh mục của Luật Đầu tư, trong đó đưa ngành nghề này vào phụ lục, là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau đó, Bộ Công an đã hoàn thiện dự thảo và trình sang Bộ Tư pháp” – ông Lê Đại Hải nói.
Theo ông Hải, chiều 25.4, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định này và đang hoàn thiện báo cáo thẩm định để trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Ông Hải khẳng định, quan điểm của Bộ Tư pháp là Nghị định này chỉ quy định những tổ chức, cá nhân nào đáp ứng những điều kiện gì thì được kinh doanh và không điều chỉnh thành phần sử dụng thiết bị.
“Nghị định này không điều chỉnh về đối tượng, không điều chỉnh ai được sử dụng thiết bị này. Hiến pháp đã quy định nguyên tắc mọi tổ chức cá nhân được làm điều pháp luật không cấm, muốn cấm phải cấm bằng luật. Thế nên trong dự thảo Nghị định này không thể cấm anh A, anh B sử dụng thiết bị A, thiết bị B được. Nếu Luật Báo chí cho phép tác nghiệp như thế nào thì các nhà báo cứ tác nghiệp theo luật. Hay Bộ luật dân sự quy định đời tư được bảo vệ thế nào, người nào sử dụng thiết bị không được phép, xâm phạm đời tư của cá nhân mà không được họ cho phép thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Hải nhấn mạnh.
Trước những băn khoăn của dư luận về đề xuất của Bộ Công an có thể ảnh hưởng đến quá trình tác nghiệp, đấu tranh chống tiêu cực, ông Hải cho biết, Bộ Tư pháp sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm định theo hướng Nghị định này chỉ quy định một phía, tức là: ai, đáp ứng điều kiện gì thì được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị mà không quy định đối tượng sử dụng mặt hàng đó.
“Trong xử phạt giao thông, người dân lo ngại dùng điện thoại quay phim, chụp hình có bị cấm? Tôi xin giải thích là không phải như vậy. Thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị thế nào được gọi là ngụy trang? Nếu nhà sản xuất điện thoại công bố công khai các chức năng, trong đó có chức năng ghi âm, ghi hình và được bán bình thường thì chúng ta dùng bình thường, không gọi là ngụy trang. Chỉ những thiết bị núp dưới những vật dụng khác nhằm giấu đi chức năng ghi âm, ghi hình mà người khác không biết để xâm phạm đời tư. Ví dụ vào nhà tắm, họ sử dụng một thiết bị ghi âm, ghi hình núp dưới dạng móc áo mà chúng ta không biết và những hình ảnh riêng tư đã bị ghi lại thì cái đó mới bị Nghị định này điều chỉnh” – ông Hải lý giải thêm./.
Theo Kim Anh (VOV)