BHYT dừng thanh toán một số thuốc: Bác sĩ phải thuộc quy định trước khi kê đơn
Trước vụ việc BHYT dừng thanh toán một số thuốc khiến nhiều người bệnh bức xúc trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có những thông tin phản hồi về việc này.
Ảnh minh họa
Đúng quy định
Theo đại diện Vụ BHYT, Bộ Y tế, có tình trạng các thuốc thương mại có cùng hoạt chất nhưng các nhà sản xuất khác nhau sẽ có các chỉ định trong hồ sơ đăng ký thuốc khác nhau, trong khi việc đấu thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện theo tên hoạt chất.
Các bác sĩ ngoài việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất (sau khi đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế phê duyệt nội dung), còn sử dụng theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, của cơ sở khám chữa bệnh, Dược thư Quốc gia hoặc các tài liệu y khoa khác như Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của WHO, của hiệp hội chuyên khoa quốc tế, tài liệu giảng dạy tại các trường y dược, …
Trong các tài liệu này, hầu hết thuốc được hướng dẫn sử dụng theo tên hoạt chất. Do đó xảy ra tình trạng bác sỹ chỉ định sử dụng thuốc (theo tên hoạt chất) phù hợp với Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, Dược thư Quốc gia nhưng có thể một số chỉ định không có trong nội dung chỉ định đã đăng ký (theo tên thương mại của từng công ty đăng ký với Cục Quản lý Dược).
Ngoài ra, trong thực tế lâm sàng, nhiều trường hợp mặc dù không có trong chỉ định đã đăng ký của nhà sản xuất nhưng vẫn cần sử dụng thuốc cho người bệnh, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp liên quan đến tính mạng của người bệnh.
Việc cơ quan BHXH đã dừng thanh toán một số thuốc được sử dụng không phù hợp với chỉ định trong hồ sơ đăng ký thuốc đã phê duyệt, dẫn đến tình trạng bệnh nhân đang điều trị không tiếp tục được thanh toán thuốc hoặc một số cơ sở khám chữa bệnh đã thanh toán thuốc cho người bệnh nhưng bị xuất toán, đã gây bức xúc trong dư luận và được các báo chí đưa tin, phản ánh.
Bác sĩ nắm rõ quy định để lựa chọn thuốc
Theo đại diện vụ BHYT, trong thời gian tới, các cơ sở khám chữa bệnh cơ quan BHXH tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư 40/2014/TT-BYT. Cơ sở khám chữa bệnh, các bác sĩ cần nắm rõ quy định để mua sắm, quản lý, lựa chọn thuốc và chỉ định hợp lý, cũng như thông tin để người bệnh biết.
Bộ Y tế sẽ tổng hợp các vướng mắc cụ thể của cơ sở khám chữa bệnh về vấn đề sử dụng thuốc ngoài chỉ định đã đăng ký để giải quyết dựa trên: các hướng dẫn điều trị chuẩn đã được Bộ Y tế ban hành, Dược thư Quốc gia, tài liệu chuyên môn và bằng chứng thực tiễn chứng minh tính phù hợp của tác dụng dược lý, sự cần thiết và hiệu quả trong điều trị lâm sàng.
Bộ Y tế sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét từng trường hợp cụ thể để làm căn cứ thanh toán, bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT.
Đối với 02 thuốc Mycophenolat và Tacrolimus mà báo chí phản ánh trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức họp với đại diện các Vụ Cục, BHXH Việt Nam và cơ sở khám chữa bệnh.
Trên cơ sở cuộc họp, BHXH Việt Nam đã có công văn đề nghị BHXH TP HCM tiếp tục thanh toán với 02 thuốc trên. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có công văn chính thức chỉ đạo cụ thể để giải quyết vấn đề này.
Riêng đối với sử dụng thuốc kháng sinh, theo đại diện Vụ BHYT, tại Khoản 6 Điều 5 Thông tư 40/2014/TT-BYT quy định “Các thuốc có ký hiệu dấu (*) là thuốc chỉ sử dụng khi các thuốc khác trong nhóm điều trị không có hiệu quả và phải được hội chẩn trước khi sử dụng”.
Một số thuốc là kháng sinh trong Danh mục cũng có đánh dấu (*) và thực hiện theo quy định này. Liên quan đến thuốc Cefepim mà báo chí phản ánh, đây là thuốc kháng sinh Cefalosporin thế hệ IV, có đánh dấu (*) trong Danh mục ban hành kèm theo Thông tư 40/2014/TT-BYT, là thuốc cần cân nhắc trước khi sử dụng, thực hiện theo đúng hướng dẫn sử dụng kháng sinh của Bộ Y tế nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc, cũng như việc lạm dụng thuốc. Tuy nhiên, Bộ Y tế không có quy định yêu cầu cần làm kháng sinh đồ trước khi sử dụng Cefepim.
Về Thông tư 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ Y tế ban hành Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT: Thông tư 40/2014/TT-BYT được xây dựng với sự tham gia của các Vụ, Cục của Bộ Y tế, các Ban của BHXH Việt Nam và các cơ sở KCB đầu ngành như Bạch Mai, Hữu Nghị, Việt Đức, K, Phụ sản TƯ, Nhi Trung ương… và đã nhiều lần xin ý kiến rộng rãi các Sở Y tế, cơ sở KCB. Sau khi ban hành, Bộ Y tế cũng đã tổ chức phổ biến, tập huấn Thông tư này trên toàn quốc.
Các quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT và Danh mục thuốc ban hành kèm theo được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn, đáp ứng nhu cầu sử dụng, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, khả năng chi trả của quỹ BHYT, đồng thời góp phần vào công tác quản lý, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả (bao gồm Điểm đ Khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2014/TT-BYT)
Điểm đ Khoản 2 Điều 4 quy định “Quỹ BHYT không thanh toán đối với trường hợp: Sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt” được xây dựng nhằm bảo đảm tính an toàn và hiệu quả sử dụng thuốc cho người bệnh, cũng như quy định trách nhiệm của nhà sản xuất và người kê đơn.
Theo P.Thuý (Infonet)