Kinh tế tư nhân ngày càng được nhận thức rõ và đánh giá đúng
Kinh tế tư nhân đang khẳng định là động lực quan trọng, đóng góp ngày càng lớn hơn trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.
Sáng 26.4, tại Hà Nội, Hội doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế xây dựng đất nước. Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức triển khai các Nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân, thực sự trở thành một động lực quan trọn của nền kinh tế.
Phát biểu tại đây, PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội doanh nhân Tư nhân Việt Nam cho rằng, phát triển kinh tế tư nhân đã được Đảng ta quan tâm ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI, dần từng bước được làm rõ nội hàm về vấn đề này qua các kỳ Đại hội gần đây. Đặc biệt, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp đã nghe và thảo luận về chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân, những vấn đề đặt ra cho kinh tế tư nhân khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.
Diễn đàn còn là cơ hội lớn để các doanh nhân nói lên tiếng nói của doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, từng bước nâng cao vị thế của giới doanh nhân trong cộng đồng xã hội và trên bình diện quốc tế. Đặc biệt, từ các ý kiến, kiến nghị nêu ra tại Diễn đàn lần này, sẽ đóng góp cho Hội nghị Trung ương 5 sắp tới về phát triển kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ và đánh giá đúng hơn.
“Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ trọng đóng góp vào GDP luôn lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác và duy trì ổn định ở mức 39 – 40%”, ông Bình nêu rõ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá, đến nay, nền kinh tế tư nhân vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Do đó, để phát triển kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Diễn đàn cần giải quyết 4 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, về quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 cần được xác định, làm rõ như thế nào để phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước và xu thế của thời đại.
Thứ hai, giải pháp lớn để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân (về đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, về hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và đảm bảo hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường, về mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, về khả năng tiếp cận các nguồn lực nhất là về đất đai, vốn, thị trường, về phát triển cơ sở hạ tầng,…).
Thứ ba, giải pháp lớn để hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tích cực hội nhập quốc tế.
Thứ tư, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân.
Sau khi các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp trình bày và thảo luận các tham luận quan trọng, chiều nay Ban Tổ chức sẽ tiến hành trao “Giải thưởng Cống hiến” nhằm tôn vinh Doanh nhân tư nhân tiêu biểu Việt Nam.
Theo Nguyễn Quỳnh (VOV)