Tăng cường phòng, chống cháy rừng trong mùa nắng nóng
Trước tình hình thời tiết nắng nóng, nguy cơ cháy rừng trong mùa khô đang ở mức cao, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Nỗi lo cháy rừng
Hiện nay, bên cạnh các khu vực rừng trên địa bàn phường Ghềnh Ráng, núi Bà Hỏa, thuộc các phường Ngô Mây, Lê Hồng Phong, Đống Đa, Quang Trung của TP Quy Nhơn, có nhiều hộ gia đình xâm chiếm đất trái phép xây cất nhà ở ngay trong khu vực giáp ranh rừng. Hàng ngày các hộ gia đình ở đây đốt lửa để nấu cơm, đốt rác, vứt tàn thuốc bừa bãi. Thực tế cho thấy ở khu vực này từng xảy ra nhiều vụ cháy rừng lớn, nguyên nhân chủ yếu do người dân chủ quan khi đốt nhang, đốt vàng mã… không chú ý dập tắt lửa, để tàn lửa cháy lây lan gây cháy rừng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức diễn tập hướng dẫn kiểm lâm địa bàn và các chủ rừng phương án PCCCR
Còn tại khu rừng giáp ranh giữa huyện An Lão và Hoài Nhơn; An Lão và Hoài Ân, vào thời điểm này nhiều người dân vào rừng phát dọn và đốt thực bì nhưng không tuân thủ các quy định về PCCCR. Ngoài ra, còn có một số người vào rừng đốt than trái phép, mồi lửa đốt ong, khai thác dầu rái... rất chủ quan, trong khi chỉ cần một sơ suất nhỏ, lửa có thể cháy lây lan sang rừng trồng và rừng phòng hộ.
Công tác PCCCR ở nhiều địa phương khác cũng còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý là một số chủ rừng chưa xem trọng công tác PCCCR. Nhiều diện tích rừng khi thiết kế trồng rừng đã không xây dựng hệ thống phòng cháy và chữa cháy như đường băng cản lửa, hồ dự trữ nước, chòi canh lửa; trong khi lực lượng bảo vệ rừng (BVR) tại chỗ còn mỏng, dụng cụ phục vụ chữa cháy rất thô sơ…
Theo Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh, diện tích rừng ở tỉnh ta khá lớn, toàn tỉnh hiện có trên 394.025 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 318.928 ha đất có rừng, phân bổ chủ yếu ở các huyện trung du, miền núi, đường giao thông cách trở, trong khi đó lực lượng KL mỏng; phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác PCCCR còn nhiều hạn chế nên việc quản lý BVR và PCCCR gặp rất nhiều khó khăn.
Những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều khu vực rừng tại Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn… có nguy cơ cháy rừng cao, cấp dự báo cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm. Điều đáng lo ngại là tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu giấy, khai thác gỗ trái phép, khai thác dầu rái, đốt ong, chặt củi đốt than... vẫn còn diễn biến phức tạp, là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy rừng. Mới đầu mùa khô, nhưng đã xảy ra 2 vụ cháy rừng ở xã Mỹ An (Phù Mỹ), thiệt hại trên 1 ha rừng dương.
Phòng là chính
Theo dự báo của ngành chức năng của tỉnh, nền nhiệt độ trong mùa khô năm nay ở khu vực tỉnh ta phổ biến ở mức cao và kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Mặt khác, mùa khô cũng là thời điểm mà hoạt động khai thác gỗ, khai thác dầu rái, chặt củi đốt than... gia tăng, cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường cấp bách các biện pháp bảo vệ, PCCCR; yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh kiện toàn Ban chỉ huy (BCH) và thành lập đoàn kiểm tra các vấn đề cấp bách trong công tác BVR, triển khai nhanh kế hoạch PCCCR năm 2017. UBND các huyện, thành phố và các ngành chức năng thực hiện quy chế phối hợp trong công tác BVR và PCCCR.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục KL tỉnh, cho biết: Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Chi cục KL tỉnh và Hạt KL các huyện Vân Canh, Tuy Phước - TP Quy Nhơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, An Lão đã ký kết quy chế phối hợp quản lý BVR&PCCCR; kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, chống người thi hành công vụ vùng rừng giáp ranh với Chi cục KL và Hạt KL của các tỉnh: Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi. Chi cục đã thành lập và củng cố 11 BCH BVR&PCCCR huyện, thị xã, thành phố; 133 BCH BVR&PCCCR xã, phường, thị trấn và 17 BCH BVR &PCCCR của các chủ rừng. Ngoài ra, các địa phương và chủ rừng còn thành lập 729 tổ, đội xung kích PCCCR. Hiện các đơn vị, chủ rừng đều đã rà soát, khoanh vẽ bổ sung, điều chỉnh các vùng trọng điểm dễ cháy rừng trên bản đồ PCCCR.
Trên bản đồ các đơn vị thể hiện rõ vùng trọng điểm dễ cháy rừng và các hồ, đập, sông, suối, đường mòn, các công trình phòng cháy, các điểm dân cư… để khi xảy ra cháy rừng sẽ dễ dàng cho công tác chỉ huy, huy động lực lượng tham gia chữa cháy. Các địa phương, chủ rừng cũng đã có phương án PCCCR khá cụ thể và đã quán triệt phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) trong công tác PCCCR.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Dũng, để hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng có thể xảy ra, từ ngày 24.4 Chi cục KL tiến hành kiểm tra công tác BVR&PCCCR trong mùa khô tại các BCH BVR&PCCCR ở các huyện, thị xã, thành phố và các chủ rừng. Qua đó, yêu cầu các đơn vị và chủ rừng tiếp tục xác định các vùng trọng điểm thường xảy ra phá rừng, khai thác, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép; vùng dễ xảy ra cháy rừng; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi được điều động.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Hạt KL các địa phương quản lý tốt diện tích các khu rừng giáp ranh, khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, phối hợp với các hội-đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về quản lý BVR&PCCCR sâu rộng trong nhân dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của KL địa bàn, tạo điều kiện cho lực lượng này thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc BVR của các chủ rừng nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của chủ rừng được Nhà nước giao quản lý, BVR. Mặt khác, huy động lực lượng đủ mạnh để tuần tra, truy quét những tụ điểm khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, xử lý nghiêm theo pháp luật.
PHẠM TIẾN SỸ