Nhạc công kèn saxophone Nguyễn Hồng Nam: Vui với nghề dạy kèn Ðội
Nhạc công Nguyễn Hồng Nam (60 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) là nhạc công đầu tiên và hiện vẫn là duy nhất chuyên dạy kèn cho các đội kèn nghi thức cấp THCS trong tỉnh. Với ông, gần 20 năm dạy kèn Ðội là duyên nợ và nguồn vui lớn lao trong cuộc đời hoạt động văn nghệ quần chúng.
Thầy Nam luôn sát cánh cùng học trò khi các em đi biểu diễn tại những sự kiện lớn.
- Trong ảnh: Nhạc công Nguyễn Hồng Nam (người cầm cờ, có dấu *) và các em Đội kèn trường THCS Võ Xán tại SVĐ Quy Nhơn trong dịp Đội được mời biểu diễn kèn tại Lễ khai mạc VCK Giải bóng đá U19 quốc gia 2017. Ảnh: VĂN LƯU
Nhạc công Nguyễn Hồng Nam bén duyên với cây kèn saxophone từ năm 1977, khi ông tham gia bộ đội, được phân công công tác tại khoa nhạc công - bộ phận tuyên huấn thuộc Sư đoàn 332. Trong 3 loại nhạc cụ mà chiến sĩ tuyên huấn Nguyễn Hồng Nam được dạy để phục vụ cho nhiệm vụ biểu diễn của đơn vị, gồm đàn bầu, sáo và kèn saxophone, ông “nghiện” saxophone nhất.
Giải ngũ, ông Nam tiếp tục đi học cao đẳng ngành âm nhạc. Ngay cả những năm tháng theo đuổi nghiệp giảng dạy, ông Nam vẫn gắn bó với nhạc cụ này, không chỉ để thỉnh thoảng giải trí mà còn là vì mưu sinh. Dạo đó, trong tỉnh hiếm người biết chơi saxophone, ông Nam khởi đầu thuận lợi với nghề nhạc công tự do. Ban đầu ông thổi kèn cho các đoàn hát trong, ngoài tỉnh, “bến đỗ” sau đó là chuyên dạy kèn Đội. “Khoảng cuối những năm 90 của thế kỷ XX, nhiều trường cấp 2 trong tỉnh bắt đầu tổ chức, xây dựng các đội kèn nghi thức. Họ tìm đến mình nhờ dạy cho các cháu, cách gọi “thầy Nam kèn Đội” ra đời từ ấy. Ngôi trường đầu tiên tôi dạy và vẫn còn cộng tác gắn bó đến giờ là THCS Võ Xán (TT Phú Phong, huyện Tây Sơn). Sau đó đến các trường cấp 2 ở Tuy Phước như Phước Lộc, Phước Sơn… Ngoảnh lại đã gần 20 năm gắn bó với bao lớp nhạc công học trò, nửa cuộc đời làm nghề nhạc này với tôi rất đẹp”, nhạc công Hồng Nam tâm tình.
Theo ông Nam, cảm hứng đầu tiên khiến ông luôn thấy háo hức, ấm áp mỗi khi bắt tay vào dạy kèn cho một đội kèn nghi thức nào đó, là đến từ phía người học. Những học sinh được chọn vào đội kèn đa phần là học sinh khá - giỏi, lễ phép, tự giác, ham học hỏi. Người nhạc công già như cách ông tự nhận cảm thấy thư thái, trẻ và vui hơn phần nào nhờ thường xuyên làm việc với những “khách hàng” đáng yêu này.
Xuất phát điểm của gần như tất cả học sinh tham gia đội kèn là thực hiện nhiệm vụ của nhà trường. Tuy nhiên, trước tác động diệu kỳ của âm nhạc, của giai điệu cuốn hút từ những chiếc trumpet, trombone hay tuba mà các em chinh phục được, chỉ sau thời gian ngắn, từ trạng thái “bắt buộc” các em chuyển sang tự giác, đầy háo hức. Chính niềm say mê của các em là nguồn động viên lớn lao, khiến nhạc công Hồng Nam luôn thấy việc mình làm là mới mẻ dù bài bản nhạc kèn Đội cũng có chừng, ít thay đổi trong suốt gần 20 năm qua.
Ông Nam tâm sự: “Theo tôi, cái khó của người dạy kèn Đội không phải ở chuyên môn. Việc giữ cho cảm xúc của mình luôn mới mẻ, nhiệt tâm với công việc và truyền cho các em niềm hứng thú với âm nhạc mới là then chốt. Làm sao cho các em thấy hứng thú, cảm nhận được vẻ đẹp của âm nhạc rất quan trọng. Có vậy, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các em vẫn còn nhớ đến kỷ niệm một thời với trống, kèn Đội và duy trì năng khiếu khi có điều kiện. Tôi luôn trăn trở và cố gắng vì điều này!”.
Theo thầy Nguyễn Duy, Hiệu trưởng trường THCS Võ Xán (Tây Sơn), hoạt động kèn Đội của trường nổi bật như ngày nay, một phần là nhờ đóng góp nhiệt tình và hiệu quả của nhạc công Hồng Nam. học trò phản hồi là học thầy Nam không những dễ tiếp thu, nhớ lâu mà còn rất “khoái” vì có thể chơi được những bản kèn ngoài giáo trình.
Cũng chính vì niềm trăn trở trên mà “thầy Nam kèn Đội” luôn căn dặn học trò “cứ ghé thầy nếu còn muốn học thêm về kèn”. Với tâm huyết với kèn, ông viết, phối một số bài kèn ca khúc để mở rộng, làm phong phú nội dung giảng dạy. Các đội kèn của huyện Tây Sơn, ngoài thông thạo những bài kèn Đội, phục vụ nghi lễ, còn biểu diễn được những bài về địa phương như Tiếp bước Quang Trung, Quang Trung hành binh thần tốc… Tác giả của những tiết mục “của độc” này chính là nhạc công Hồng Nam.
Sau khi dành thời gian nghe hàng loạt ca khúc về Bình Định, nhạc công Hồng Nam vui mừng nhận ra trong đó có nhiều ca khúc có giai điệu, tiết tấu rộn ràng, phù hợp để phổ cho nhạc cụ kèn saxophone, hiện ông đang háo hức với những dự định tác phẩm mới của mình.
SAO LY