Ðiều chỉnh diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích Thành Hoàng Ðế:
Gìn giữ văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế, xã hội
Chiều 20.4, Sở VHTT tổ chức cuộc họp về việc báo cáo kết quả khảo sát, điều chỉnh diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích Thành Hoàng Ðế, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn.
Đại diện các ngành có liên quan khảo sát điều chỉnh diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích thành Hoàng Đế.
Di tích lịch sử thành Hoàng Ðế (thuộc xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích quốc gia năm 1982 và được khoanh vùng khu vực bảo vệ với diện tích 330ha (chưa bao gồm Bàu Sen 24,23ha).
Nhận thấy đây là diện tích khoanh vùng quá lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình canh tác và quyền sử dụng đất của nhân dân, Sở VHTT phối hợp UBND TX An Nhơn và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đo vẽ lại khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích với diện tích 103ha gồm 10 vị trí di tích gốc: Tử Cấm thành, 2 tượng voi đá, đàn Nam giao, các bờ thành nội, ngoại, gò Tháp Mẫm, Bàu Bể, tháp Cánh Tiên, Bàu Vệ, Bãi tập trận, Bàu Sen.
Tại cuộc họp, ông Trương Ðông Hải - Phó Giám đốc Sở VHTT - kết luận: “Cuộc họp cơ bản thống nhất với diện tích khoanh vùng khoảng 103ha mà Trung tâm kỹ thuật dịch vụ Tài nguyên Môi trường Bình Ðịnh đã trình bày. Sở VHTT sẽ báo cáo, đề nghị UBND tỉnh xem xét cho chủ trương để trình Bộ VH-TT&DL xem xét, quyết định. Diện tích đất còn lại giao cho địa phương quản lý sử dụng theo yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nhằm tạo sự hài hòa giữa văn hóa và phát triển kinh tế, xã hội cho người dân”.
Thành Hoàng Ðế được xây dựng vào năm 1775 trên cơ sở thành Ðồ Bàn của vương quốc Champa. Nơi đây từng là đại bản doanh của phong trào nông dân Tây Sơn và là kinh đô của chính quyền trung ương Hoàng đế Thái Ðức - Nguyễn Nhạc. Sau khi triều đại Tây Sơn thất bại, trên nền thành cũ, nhà Nguyễn cho xây một khu lăng mộ thờ hai viên quan nhà Nguyễn là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Hiện nay, các di tích còn lại trong khu vực thành Hoàng Ðế gồm: tường thành, hồ bán nguyệt, lăng tẩm, ao sen, tượng voi chiến, đàn Nam Giao, tháp Cánh Tiên.
ÐẶNG VĂN ÐỆ