“Sống chung” với bệnh vảy nến!
Ðến nay, vẫn chưa có phương pháp nào điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Do đó, thay vì chạy chữa khắp nơi để rồi chỉ nhận lại nỗi thất vọng, người mắc bệnh vảy nến nên tìm cách giảm bớt những khó chịu do chứng bệnh này gây ra, xác định nó sẽ theo mình trong suốt quãng đời còn lại.
Từ vài năm qua, bệnh nhân Nguyễn Thị Lâm thường xuyên vào Quy Nhơn điều trị bệnh vảy nến.
Bệnh vảy nến là tình trạng viêm mạn tính của da do nhiều yếu tố tác động lên cơ chế bệnh sinh, bao gồm yếu tố về gen, các yếu tố kích hoạt (vi khuẩn, vi-rút, thuốc, stress), hệ miễn dịch… gây ra tình trạng quá sản và rối loạn phát triển của tế bào sừng.
“Có bệnh vái tứ phương”
Khoa Vảy nến (Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa, dưới đây gọi tắt là Bệnh viện Quy Hòa) thường xuyên có chừng 20 bệnh nhân điều trị. Bệnh nhân điều trị vảy nến tại đây không chỉ ở Bình Định mà còn đến từ nhiều tỉnh, thành khác như: Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Phần lớn trong số đó đã phát hiện bệnh từ cách đây vài năm, nhưng phần vì chưa hiểu rõ về bệnh, phần vì thiếu thông tin nên đã tự chạy chữa nhiều nơi. Trường hợp bà Nguyễn Thị Lâm (57 tuổi, ở Nghĩa Chánh, Quảng Ngãi) là một ví dụ.
Phát hiện những chấm đỏ li ti trên da như vết muỗi cắn từ năm 2011, bà Lâm cứ nghĩ đó là do côn trùng đốt hoặc dị ứng nhẹ. Tự lấy dầu, thuốc bôi lên chấm đỏ, sau đó đến các cơ sở y tế khám và điều trị, nhưng bệnh không thuyên giảm mà những vệt đỏ cứ lan dần ra ở nhiều vùng da trên cơ thể. Đến khi vào khám và được Bệnh viện Quy Hòa chẩn đoán bị vảy nến thì tình trạng bệnh đã khá nặng.
“Tôi điều trị ở đây đã 3 đợt, mỗi đợt kéo dài gần 3 tuần. Khi đỡ rồi bác sĩ cho về nhà, uống thuốc, nhưng rồi sau đó vẫn tái lại và vào nằm viện. Bệnh này lạ lắm, cứ làm gì ra mồ hôi là ngứa ngáy khắp người, vậy nên dù cảm thấy khỏe nhưng chẳng thể làm bất cứ công việc gì” - bà Lâm than thở.
Bà Huỳnh Thị Hòa (60 tuổi, ở Phước Hòa, Tuy Phước) còn gặp nhiều “éo le” khác. Phát hiện bệnh từ 7 năm trước, bà Hòa chạy chữa khắp nơi, cứ hễ nghe ở đâu có thuốc điều trị khỏi bệnh là gom góp tiền bạc đi khám. Tháng 3 năm ngoái, bà vào TP Hồ Chí Minh, thuê phòng trọ ở hẳn 3 tháng để điều trị bệnh theo hướng dẫn của một bác sĩ ở quận 12. Chỉ riêng tiền thuốc thang đã hơn chục triệu đồng, nhưng bệnh tình vẫn chẳng giảm được chút nào. Bà đành vứt hết số thuốc còn lại, về quê rồi đến Bệnh viện Quy Hòa điều trị.
Bà Hòa tâm sự: “Tôi từng đến rất nhiều cơ sở điều trị nhưng kết quả vẫn là con số không. Có bảo hiểm hộ nghèo, tôi được nằm viện miễn phí, nhưng cũng có một số khoản phải tự thanh toán. Bị vảy nến, còn bị cả tiểu đường, nên mỗi ngày tôi chỉ ăn chừng 10.000 đồng tiền cơm, ấy vậy mà mỗi tháng cũng đã mất đứt ít nhất 2 triệu bạc”.
Nâng chất lượng sống cho bệnh nhân!
Như đã thấy, bệnh vảy nến gây ra rất nhiều khó khăn, phiền hà cho bệnh nhân. Việc điều trị rất phức tạp và hiện chưa có cách trị dứt điểm bệnh này. GS.TS Trần Hậu Khang, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, cho hay: Hiện nay có một số phương pháp điều trị chủ yếu để giảm các thương tổn ngoài da, ví dụ như bôi các dẫn chất của Vitamin D hoặc thuốc bong vảy, bạt sừng… Ngoài ra còn có thể dùng một số thuốc uống gây ức chế miễn dịch. Hiện ở một số trung tâm lớn còn dùng phương pháp điều trị bằng ánh xạ, trong đó sử dụng ánh xạ cực tím có bước sóng dài kết hợp với hoạt chất để tăng cường tác dụng. Trong khoảng 10 năm gần đây, có phương pháp điều trị vảy nến mới là dùng hoạt chất sinh học, hay còn gọi là điều trị đích. Người ta chế ra các chất kháng thể đơn dòng để chống lại các chất được cho là cơ chế sinh bệnh vảy nến”.
Bệnh vảy nến ít khi gây tử vong nhưng ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, khả năng sinh hoạt, lao động của người bệnh. Gần đây, với việc tìm ra nhiều yếu tố liên quan đến cơ chế sinh bệnh vảy nến, đặc biệt vai trò quan trọng của hệ miễn dịch với sự tham gia của tế bào lympho T, đã tìm ra một hướng mới trong điều trị vảy nến. Ðó là các chất sinh học có tác dụng cắt đứt tương tác tế bào lympho T và các thành phần liên quan khác.
Bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Quy Hòa, cho biết: “Vảy nến là bệnh cần được điều trị trong thời gian dài, do đó, người bệnh cần kiên nhẫn. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần đến khám và điều trị ở các cơ sở y tế có uy tín, không nên nghe theo những lời đồn, quảng cáo trên mạng mà tự ý chữa bệnh vừa tốn tiền mà lại không hiệu quả. Hiện nay Bệnh viện Quy Hòa đã áp dụng nhiều phương pháp điều trị bệnh vảy nến. Tuy nhiên, có một số khó khăn trong quá trình điều trị là một số loại thuốc sinh học chưa nằm trong danh mục thanh toán của Bảo hiểm Y tế. Điều này khiến nhiều bệnh nhân không được thụ hưởng phương pháp chữa bệnh mới, để giảm cảm giác khó chịu do bệnh vảy nến gây ra!”.
Hy vọng những khúc mắc này sẽ sớm được tháo gỡ!
Nên nói ngay là y học chưa chữa được bệnh vảy nến
“Ðiều đầu tiên mà các bác sĩ khi điều trị cho bệnh nhân vảy nến cần làm là nói rõ cho họ biết rằng hiện vẫn chưa có phương pháp nào điều trị khỏi hoàn toàn bệnh này. Từ đó thuyết phục bệnh nhân tuân thủ tốt phác đồ điều trị, không tự ý ngưng dùng thuốc khi thấy tình hình khá hơn. Về phương pháp điều trị, từ lâu người ta đã tìm ra được những loại thuốc điều trị vảy nến, trong đó chủ yếu là giúp giảm quá trình viêm, ổn định bệnh lâu dài hơn, đặc biệt là tăng chất lượng sống của bệnh nhân”
GS.TS TRẦN HẬU KHANG, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam
LÊ CƯỜNG
Hiện nay thế giới tây y bế tắc chưa có thuốc chữa vẩy nến hiệu quà . Tuy nhiên thế giới cũng thành công bằng một hướng khác . Dùng thuốc sinh học bằng các chất trong tự nhiên để chữa rấ hiệu quả . Đó là dầu olive ozone .