Phẫu thuật chấn thương răng hàm mặt tại BVÐK tỉnh: Nhiều kỹ thuật khó đã được thực hiện thường quy
Phẫu thuật chấn thương răng hàm mặt (RHM) về cơ bản là phẫu thuật xử lý, điều chỉnh các chấn thương về phần mềm, răng và các xương vùng hàm mặt nhằm trả lại hoạt động chức năng và thẩm mỹ tối ưu nhất cho bệnh nhân.
Chấn thương RHM có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân, cơ chế khác nhau. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu nhất là do tai nạn giao thông (TNGT). Ở trẻ em, chấn thương hàm mặt có thể xảy ra do tai nạn sinh hoạt té ngã, do các vật dụng, đồ chơi sắc nhọn, hay cũng có thể do bị vật nuôi tấn công. Người cao tuổi có thể bị té ngã do choáng, liên quan đến các nguyên nhân toàn thân như tăng huyết áp, hạ đường huyết…
Chấn thương RHM thường gặp ở phần mềm vùng hàm mặt, mức độ chấn thương từ đơn giản đến phức tạp như: gãy xương ổ răng, gãy thân răng, chân răng; gãy xương gò má (gãy hàm gò má - cung tiếp ); gãy xương hàm dưới (vùng cằm, góc hàm, cành ngang, lồi cầu); gãy xương hàm trên…
Bác sĩ Nguyễn Lê Nguyên - Khoa RHM (BVĐK tỉnh), cho biết: “Các bệnh nhân nhập viện do TNGT, đa số đều trong tình trạng chấn thương phối hợp, ngoài chấn thương hàm mặt còn kết hợp với chấn thương một hoặc nhiều bộ phận khác. Riêng về chấn thương hàm mặt, trong một số trường hợp nặng, nếu không được xử lý kịp thời, có thể tắc nghẽn đường hô hấp trên do dị vật, hay mất máu dẫn đến tử vong… Vì vậy, việc sơ cứu đúng cách và đến trung tâm y tế kịp thời là rất quan trọng xử lý chấn thương hàm mặt nói riêng hay chấn thương nói chung. Hầu hết bệnh đều cần được phẫu thuật!”.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được tiếp tục chăm sóc và điều trị tại Khoa RHM. Việc chăm sóc cơ bản gồm có chăm sóc vết thương, vết mổ (thay băng, rửa vết thương hàng ngày, cắt chỉ); hướng dẫn bệnh nhân tự chăm sóc sau mổ (vận động hàm, chườm nóng, chườm lạnh); hướng dẫn cách ăn uống cho bệnh nhân tùy theo tình trạng; hướng dẫn vệ sinh răng miệng, tất cả giúp bệnh nhân đạt được tiến triển tốt nhất về bệnh lý, có tâm lý thoải mái, yên tâm điều trị.
Việc thực hiện các phẫu thuật chấn thương hàm mặt đã được triển khai tại BVĐK tỉnh từ năm 1998 và liên tục phát triển. Hiện nay, Khoa RHM (BVĐK tỉnh) đã triển khai thực hiện được hầu hết các kỹ thuật, kể cả các kỹ thuật phức tạp. Một số kỹ thuật khó như kết hợp xương lồi cầu xương hàm dưới, kết hợp xương điều trị các dạng gãy ngang các tầng của mặt đã được đưa vào thực hiện thường quy. Nhờ đó đã hạn chế được lượng bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên. Điều này giúp giảm thời gian điều trị cho bệnh nhân, hạn chế các biến chứng, di chứng do lệch xương, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh. Ngoài ra, BVĐK tỉnh còn tiếp nhận, điều trị nhiều bệnh nhân ở một số tỉnh lân cận.
THU PHƯƠNG (Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe)