Mỹ muốn đưa Triều Tiên trở lại “con đường đối thoại”
Mỹ muốn đưa Triều Tiên trở lại “con đường đối thoại”, liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này, đồng thời sẽ sử dụng các biện pháp ngoại giao và trừng phạt để tăng sức ép lên Bình Nhưỡng.
Sau cuộc họp ngắn với các Thượng nghị sĩ Mỹ tại Nhà Trắng hôm 26.4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Dan Coats đã hạ giọng trong vấn đề Triều Tiên, hối thúc cộng đồng quốc tế giúp tìm giải pháp cho vấn đề này.
Thông báo chung được đưa ra sau đó viết: “Chúng tôi mong muốn các thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế gây sức ép lên CHDCND Triều Tiên, để thuyết phục nước này giảm leo thang căng thẳng và trở lại con đường đối thoại.”
Động thái này diễn ra sau hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên, cũng như những cảnh báo về hành động quân sự từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Trong hai tuần qua, ông Trump ra lệnh cho các tàu quân sự Mỹ, trong đó có cả tàu sân bay, di chuyển đến khu vực gần bán đảo Triều Tiên, nhằm phô trương sức mạnh.
Hôm 25.4, Triều Tiên tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật với quy mô lớn. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, các phần chính của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) bắt đầu được lắp đặt.
Chỉ huy lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris cho biết, hệ thống này sẽ hoạt động trong một vài ngày tới, có khả năng phá hủy tên lửa mà Triều Tiên nhằm vào lực lượng Mỹ.
Hôm 26.4, Trung Quốc lên tiếng hối thúc Washington và Bình Nhưỡng kiềm chế, đồng thời bày tỏ sự phản đối việc lắp đặt THAAD tại Hàn Quốc.
Mặc dù Mỹ nói rằng, hệ thống này chỉ nhằm ngăn chặn tên lửa của Triều Tiên, nhưng Nga và Trung Quốc xem hệ thống radar của THAAD là một mối đe dọa an ninh.
Lê Quảng (theo Aljazeera)