Giải bài toán bức thiết về cấp nước đô thị
Theo đánh giá chung, dịch vụ cấp nước ở tỉnh ta hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh; nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước còn thiếu; chất lượng dịch vụ cấp nước chưa cao. Cần giải bài toán này như thế nào?
Đại diện 2 nghiệp đoàn Pháp SEAF và SFT chuyên về sản xuất nước sạch và thu gom, xử lý nước thải tham quan Nhà máy Xử lý nước Hà Thanh vào ngày 21.4.2017.
Thực trạng bất cập
Hệ thống cấp nước đô thị của tỉnh có tổng công suất thiết kế tính đến cuối năm 2016 là 78.200 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu cho 14 đô thị trên toàn tỉnh. Trong đó, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Định (BIDIWASSCO) cung cấp 66.700m3/ngày đêm, chiếm 85% tổng công suất. 6 đơn vị khác cung cấp 11.500m3/ngày đêm, chiếm 15%.
Nhu cầu dùng nước sạch tại các đô thị tăng vì nguồn nước tự khai thác từ giếng, sông suối bị ô nhiễm hoặc cạn kiệt. Mức sống của người dân đô thị ngày càng cao và người dân đã ý thức về sức khỏe khi tiếp cận và sử dụng nước sạch. Số liệu thống kê từ năm 2013 - 2016 của BIDIWASSCO cho thấy, sản lượng nước tiêu thụ có xu hướng tăng liên tục (từ 6 - 8%/năm). Theo ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc BIDIWASSCO, từ giữa năm 2016, hiện tượng thiếu nước cục bộ do nhu cầu tăng đột biến vào mùa khô bộc lộ rõ hơn trước.
Ông Võ Thanh Tín, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết, tỉ lệ dân số sử dụng nước sạch trung bình đạt khoảng 66% (riêng TP Quy Nhơn đạt 96%). Con số này khá thấp và chưa đạt tỉ̉ lệ trung bình 80% theo chiến lược cấp nước của Chính phủ. Theo ông Lê Tiến Dũng, nguyên nhân là do thiếu vốn đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước sạch và địa hình đồi núi phức tạp, khó đưa hệ thống đường ống cấp nước đến khu vực cao.
Tỉ̉ lệ thất thoát nước khá lớn (trung bình 19,7%). Theo ông Võ Thanh Tín, thất thoát nước khá lớn là do công nghệ lạc hậu. Ông Lê Tiến Dũng cho biết thêm, nhiều tuyến ống được lắp đặt từ trước năm 1975 nên cũ kỹ, dễ vỡ, thêm hoạt động thi công xây dựng sơ suất làm bể đường ống.
Có một nghịch lý tồn tại là Bình Định có khá nhiều sông ngòi nhưng hiện nguồn nước thô khai thác từ nước mặt của sông suối lớn chỉ chiếm 8,5%. Số còn lại (91,4%) là từ nguồn nước ngầm. Thậm chí, tỉ lệ này tại BIDIWASSCO lên tới 100%. Theo ông Nguyễn Tấn Huy, Trưởng phòng Kỹ thuật BIDIWASSCO, có 2 lý do: Thứ nhất, địa hình sông suối dốc, chế độ thủy văn phức tạp nên trữ lượng nước không ổn định, khó sử dụng làm nguồn nước thô cho các trạm nước mặt có công suất lớn. Thứ hai, công nghệ hiện nay của công ty là công nghệ khai thác nước ngầm; việc chuyển đổi sang công nghệ khai thác nước mặt đòi hỏi kinh phí rất lớn, vượt quá khả năng tài chính của đơn vị.
Ngân sách eo hẹp cũng bó buộc khả năng phát triển hạ tầng cấp nước. Để tháo gỡ, Nhà nước khuyến khích xã hội hóa nhằm vừa giảm đầu tư công vừa tăng tính cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, có lợi cho người thụ hưởng dịch vụ. Tuy nhiên, mức độ xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước tại tỉnh ta chưa cao. Phần lớn cơ sở cấp nước của tỉnh do doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước quản lý. Số cơ sở do tư nhân quản lý, vận hành và kinh doanh khá ít. Một phần là vì 13/14 đô thị của Bình Định thuộc loại nhỏ, công suất cấp nước cho mỗi đô thị dưới 5.000m3/ngày đêm nên khó thu hút nhà đầu tư nâng công suất và mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước.
Giải pháp nào?
Theo ngành chức năng, chiến lược phát triển, kiểm soát, bảo vệ nguồn nước sẽ chuyển dần sang sử dụng nước mặt khai thác từ các hồ chứa thay vì nước ngầm, bởi trữ lượng nước ngầm trên địa bàn tỉnh không dồi dào và phân bố không đồng đều. “Hơn nữa, nguồn nước ngầm hiện nay bắt đầu suy giảm về lượng lẫn chất. Một số nhà máy xử lý nước không đủ nước ngầm sản xuất, đặc biệt vào mùa khô. Một số giếng có dấu hiệu cạn kiệt và nhiễm kim loại nặng” - ông Võ Thanh Tín cho biết.
Việc liên tục sử dụng nước ngầm là không đảm bảo an ninh cấp nước, không phù hợp với định hướng phát triển cấp nước; trong khi tỉnh ta có 15 hồ chứa dung tích trên 1 triệu m3
với chất lượng nước thô khá tốt, có khả năng đáp ứng nhu cầu cấp nước thô cho các hệ thống cấp nước công suất lớn. Những khu vực buộc phải khai thác nước ngầm do không thể khai thác nước mặt cần kiểm soát chặt về chất lượng lẫn sản lượng nước.
Có thể áp dụng phương án sử dụng nguồn nước kiểu liên kết vùng. Nghĩa là, hệ thống cấp nước sẽ được phân thành nhiều vùng; mỗi vùng có mạng lưới cấp nước độc lập nhưng có thể nối thông với nhau để hỗ trợ khi cần thiết. Tuy nhiên, hệ thống cấp nước đô thị hiện hữu thiếu tính liên kết này; các trạm cấp nước chỉ cấp nước tập trung cho khu vực có mật độ dân cư cao, chưa tạo thành mạng lưới để hỗ trợ nhau giữa các đô thị liền kề.
Tỉnh sẽ xây dựng giá tiêu thụ nước sạch sát với chi phí thực tế mà vẫn đảm bảo theo đúng quy định Nhà nước; đồng thời kêu gọi, khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực cấp nước. Sở Xây dựng sẽ từng bước hoàn chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng của các đô thị (khu vực mở rộng), làm cơ sở kêu gọi đầu tư. Các đơn vị cấp nước tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới, tăng sản lượng khai thác, đồng thời xây dựng kế hoạch quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình cấp nước sạch. Từng bước cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ xử lý cấp nước; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ vận hành, theo dõi và kiểm tra mạng lưới; giảm tỉ lệ thất thoát, tăng chất lượng nước, giảm chi phí.
Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng nước tiếp tục được thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng nước sạch cung cấp cho người dân. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch hợp lý, hiệu quả đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của họ trong quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn nước.
Ông Lê Tiến Dũng chia sẻ, để tăng lượng nước cung cấp, trước mắt, BIDIWASSCO khoan thêm giếng mới, đồng thời nâng cấp nhà máy, trạm xử lý nước hiện hữu. Về vấn đề thất thoát nước, công ty đã tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục nguyên nhân rò rỉ nước; đồng thời thay thế, nâng cấp hệ thống ống cũ.
TỐ UYÊN