Di tích lịch sử chiến thắng Đồi 174
Ngày 5.4.2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh ký Quyết định số 1194/QÐ-UBND công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với di tích chiến thắng Ðồi 174, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân.
Từ Đồi 174 nhìn xuống đường số 5, sông An Lão.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đồi 174 còn được gọi là cao điểm 174 hoặc chốt 174, đây là một trong những chốt điểm có vị trí chiến lược quan trọng trên con đường số 5 từ Bồng Sơn đi An Lão (nay là tỉnh lộ 629), chỉ cách sân bay Thiết Đính (Bồng Sơn) khoảng 6km về hướng đông nam, đây là một trong những sân bay quân sự lớn của địch phục vụ khu vực Bắc Bình Định.
Chốt 174 sát cầu Bến Muồng, nằm trong khu vực giáp ranh giữa vùng giải phóng và tạm chiếm của địch, lại nằm cách sông An Lão đoạn chạy qua Ân Mỹ chỉ 500m. Đứng trên Đồi 174 có thể quan sát, kiểm soát được cả một khu vực rộng lớn và các chốt điểm gần đó như: Cầu Bến Muồng, núi Chéo, đồi 82…
“Nếu địch chiếm được núi Chéo và Đồi 174, mọi con đường tiếp viện của ta cho Bắc Hoài Ân theo con đường số 5 bị cắt đứt” - ông Tô Xuân Thái, nguyên Xã đội trưởng xã Ân Tín giai đoạn 1973 - 1975 kể lại.
Do giữ vị trí quan trọng như vậy nên trong chiến tranh ta và địch thường xuyên giằng co, trong đó trận đánh chiếm Đồi 174 vào ngày 1.11.1972 của Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng) là một trận thắng then chốt.
Đêm 1.11.1972, lợi dụng trời tối, các chiến sĩ Đại đội 4 Tiểu đoàn 40 đặc công chia thành 2 mũi tấn công, kết hợp với Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 vượt sông An Lão đánh chiếm điểm cao 174, tiêu diệt gọn một đại đội địch khoảng 150 tên, sau đó giao lại trận địa cho Tiểu đoàn 3 chốt giữ.
Mất điểm cao 174, địch lập tức tung toàn bộ Trung đoàn 47 vào chiếm lại, suốt 7 ngày đêm, điểm cao 174 không lúc nào ngớt tiếng bom đạn. Sau nhiều đợt xung phong không chiếm được chốt, chúng dùng máy bay ném bom dữ dội xuống trận địa 174.
7 ngày đêm bảo vệ điểm cao 174, lực lượng ta hi sinh rất nhiều nhưng các chiến sĩ Tiểu đoàn 3 vẫn chấp hành mệnh lệnh triệt để. Ông Nguyễn Chí Thỏa (trú ở khu vực 3, phường Trưng Vương, TP Uông Bí, Quảng Ninh)- nguyên Trung đội phó, Đại đội 1, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3 Sao Vàng), nhân chứng sống của sự kiện không kìm nổi xúc động khi kể lại: “Mỗi lần lên chốt, các chiến sĩ lại hiểu rằng mình có thể hy sinh nhưng không một ai thoái thác nhiệm vụ”.
Không chiếm được Đồi 174, địch lẳng lặng từ bỏ trận địa, đường số 5 đoạn Hoài Ân - An Lão được giải phóng. 7 ngày đêm chốt giữ điểm cao 174 của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 (Trung đoàn Anh dũng, Trung đoàn Anh hùng) mãi mãi là điểm son của Sư đoàn Sao Vàng.
ÐẶNG VĂN ÐỆ