Gầy dựng lực lượng bảo tồn bài chòi dân gian: Tre già mà măng... còn ít
Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Ðịnh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện các bên liên quan đang xây dựng hồ sơ để đề cử UNESCO công nhận nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung là di sản phi vật thể của nhân loại. Ðiều đáng lo ngại là lực lượng kế thừa để bảo tồn bài chòi dân gian hiện vẫn còn ít.
Nhưng để hồ sơ có tính thuyết phục cao, phải chứng tỏ rằng nghệ thuật này đang sống, có công chúng, khán giả thưởng thức. Muốn vậy, trước tiên cần có nghệ sĩ trình diễn, đội ngũ kế thừa.
Hội thi hô, hát bài chòi dân gian lần thứ V-2017 do Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn tổ chức là một trong những hoạt động thiết thực góp phần từng bước gầy dựng lực lượng giữ gìn di sản.
Lực lượng kế thừa còn mỏng
Cách đây 2 năm, Bộ VH-TT &DL đã chỉ đạo Cục Di sản Văn hóa, Viện Âm nhạc phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan lần đầu tiên tổng kiểm kê di sản bài chòi dân gian ở 9 tỉnh, thành miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa). Các địa phương tiến hành thực hiện các biểu mẫu kiểm kê về nghệ nhân bài chòi dân gian (người làm hiệu, nghệ nhân bài chòi độc diễn, nhạc công); người biết đàn, hát bài chòi dân gian; các CLB, nhóm tổ chức sinh hoạt bài chòi dân gian tại địa phương. Tại mỗi tỉnh trong khu vực khảo sát, công tác kiểm kê bài chòi dân gian được tiến hành ở tất cả huyện, thị xã, thành phố.
“Nhìn tổng thể thì việc gầy dựng lực lượng gìn giữ bài chòi dân gian ở tỉnh ta còn rời rạc, chưa có sự kết nối chung trong phạm vi toàn tỉnh”
Kết quả, theo kiểm kê, khảo sát, đánh giá, tổng hợp ở các địa phương trong tỉnh, có 40 nghệ nhân bài chòi dân gian (30 nam, 10 nữ), gồm có 33 nghệ nhân hô bài thai (trong hội đánh bài chòi cổ dân gian) và bài chòi độc diễn, 7 nghệ nhân chơi các loại nhạc cụ. Trong số này, chỉ có 10 nghệ nhân dưới 50 tuổi, còn lại từ hơn 50 - 80 tuổi.
Ở cấp độ thấp hơn, theo kiểm kê, cả tỉnh có tổng cộng 81 người biết đàn, hát bài chòi dân gian. Trong đó, cũng chỉ có 29 người dưới 50 tuổi. So sánh với số liệu kiểm kê ở các tỉnh, thành khác, thì số người biết đàn, hát bài chòi dân gian ở tỉnh Bình Định ít hơn so với Quảng Ngãi (345 người), Khánh Hòa (220 người), Quảng Nam (175 người). Bù lại, tại Bình Định có 27 CLB, đội, nhóm có tổ chức sinh hoạt nghệ thuật bài chòi dân gian, trong khi hầu hết các tỉnh, thành được kiểm kê, mỗi tỉnh chỉ có từ 4-9 CLB, đội, nhóm.
Điều đáng lưu tâm là báo cáo tổng hợp có lưu ý, các nghệ nhân cao tuổi gặp nhiều hạn chế, khó khăn trong truyền dạy và sẽ dần mất đi, trong khi các nghệ nhân ở độ tuổi sung sức còn rất ít. Vì vậy cần cấp thiết đặt ra vấn đề truyền dạy!
Ít ỏi những nỗ lực gầy dựng
Những năm qua, Trung tâm VH-TT-TT Quy Nhơn đã 5 lần tổ chức tập huấn, tổ chức hội thi hô, hát bài chòi dân gian cho các phường, xã. Từ những lớp tập huấn, từ những cuộc thi đầy chất động viên, khuyến khích này, nay đã bước đầu gầy dựng được lực lượng hàng trăm người là hạt nhân phong trào văn nghệ quần chúng biết hô, hát bài chòi dân gian ở mức cơ bản.
Nghệ nhân ưu tú Minh Đức nhìn nhận: “Tham gia giảng dạy các lớp tập huấn, rồi giám khảo cho các hội thi bài chòi cổ ở Quy Nhơn, tôi thấy ngoài những gương mặt quen thuộc thường xuyên tham gia, thì hằng năm ở các phường, xã đã cử thêm những gương mặt mới, nhất là những người trẻ tham gia để có ý thức chung tay bảo tồn di sản văn hóa của cha ông... Nhưng họ còn ít quá!”.
Theo tìm hiểu thực tế, trong số 27 CLB, đội, nhóm trên địa bàn tỉnh được báo cáo khi kiểm kê, thực ra chỉ một số ít CLB có tổ chức sinh hoạt thường xuyên, hoặc có tham gia tổ chức hội đánh bài chòi cổ ở địa phương. Có một điểm tích cực, vài năm gần đây một vài địa phương đã quan tâm gầy dựng thêm các CLB bài chòi cổ dân gian. Huyện Hoài Nhơn là một điển hình. Ngoài việc tổ chức các đợt tập huấn, hội thi, đến nay đã có 3 CLB bài chòi cổ ở các xã Hoài Thanh, Tam Quan Bắc, Hoài Mỹ tổ chức Đại hội lần thứ nhất, đề ra kế hoạch tổ chức hoạt động bài bản.
Anh Nguyễn Văn Rạng, Chủ nhiệm CLB bài chòi cổ xã Hoài Thanh, cho biết: “CLB đã tổ chức Đại hội lần đầu tiên vào tháng 1.2017, để bầu ra ban chủ nhiệm gồm nhiều thành phần tham gia. Từ con số 15 thành viên CLB ban đầu, qua Đại hội đã tuyển chọn bổ sung thêm các thành viên ở 10 thôn (mỗi thôn 3 người), cùng đại diện các hội, đoàn thể của xã... nâng tổng số thành viên CLB lên 60 người. Qua đó, tạo điều kiện cho chúng tôi đã và sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động bảo tồn nghệ thuật bài chòi dân gian”.
Dù đã có những nỗ lực ở một số địa phương trong tỉnh, nhưng nhìn tổng thể thì việc gầy dựng lực lượng gìn giữ bài chòi dân gian ở tỉnh ta còn rời rạc, chưa có sự kết nối chung trong phạm vi toàn tỉnh. Cách đây vài năm, Sở VH-TT&DL (nay là Sở VH-TT) đã có định hướng xây dựng Kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai Kế hoạch đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
HOÀI THU