Kinh tế tư nhân: Ý nguyện và lợi ích của đông đảo người dân
Sau 30 năm khu vực kinh tế tư nhân đã chứng tỏ định hướng đúng khi đang đảm bảo an sinh phúc lợi, tăng việc làm và thu nhập cho người lao động.
Ngay từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, sự thay đổi tính chất của nền kinh tế từ bao cấp, kế hoạch hóa chuyển sang nền kinh tế hàng hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh đã giúp khu vực kinh tế tư nhân khôi phục, ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Kinh tế tư nhân đổi mới chưa từng có
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII năm 2016 tiếp tục khẳng định chủ trương phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Chủ trương căn cứ sau 30 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang đảm bảo an sinh phúc lợi, tăng việc làm và thu nhập cho người lao động trên cả nước.
Khu vực kinh tế tư nhân đã tạo việc làm cho trên 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế. (Ảnh minh họa: KT)
Ngay trong Hiến pháp năm 2013 cũng đã khẳng định, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững các ngành kinh tế góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.
Củng cố thêm về mặt lý luận đối với chính sách phát triển kinh tế tư nhân, Nhà giáo Nhân dân Đào Xuân Sâm, nguyên Chủ nhiệm khoa Quản lý kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, hệ thống pháp luật mới được ban hành và liên tục hoàn thiện đã cổ vũ và bảo đảm pháp lý để mọi người kinh doanh tư nhân ngày càng yên tâm phát triển. Nhờ thành quả của việc ban hành thực thi thể chế, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển liên tục trong mấy chục năm qua, đặc biệt có bước phát triển vượt bậc từ năm 2000 đến nay.
“Có thể thấy rõ khu vực kinh tế tư nhân trong toàn bộ các ngành nông, công thương, dịch vụ đang bao quát phần lớn dân số nước ta. Đây là thành quả dân chủ từ nền tảng kinh tế - xác lập quyền tự do làm ăn sinh sống của đại đa số người dân. Kinh tế tư nhân rộng lớn như vậy là khu vực đổi mới chưa từng có trong lịch sử kinh tế Việt Nam. Sức sống và xu hướng phát triển của nó là sự thể hiện ý nguyện và lợi ích của đông đảo nhân dân, của dân tộc Việt Nam”, Nhà giáo Nhân dân Đào Xuân Sâm phân tích.
Trên thực tế, khi đánh giá về thực trạng của khối kinh tế tư nhân thời gian qua, TS. Hà Quang Tuấn, Chủ tịch Hanoimilk khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đang là một bước tiến quan trọng, tạo một không gian mở cho quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất hoạt động một cách có hiệu quả.
“Kinh nghiệm từ các nền kinh tế phát triển trên thế giới cho thấy, các quốc gia phát triển đều lấy khu vực kinh tế tư nhân làm chủ đạo. Do vậy, đầu tư phát triển kinh tế tư nhân chính là phương tiện để phát triển kinh tế - xã hội và con người. Việc khuyến khích chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo nên sức mạnh, nhất là khi doanh nghiệp phải quan tâm sống còn đến tiền vốn của mình. Doanh nghiệp có quyền định đoạt, sử dụng, quản lý nguồn vốn sản xuất kinh doanh để hưởng lợi hoặc chịu thua lỗ”, Chủ tịch Hanoimilk nêu ý kiến.
Mục tiêu của kinh tế tư nhân sẽ rõ ràng hơn
Khẳng định rõ vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân thời gian qua, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, tỷ trọng đóng góp GDP của kinh tế tư nhân thời gian qua luôn lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác và duy trì ổn định ở mức 39-40%. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của khối kinh tế tư nhân giai đoạn 2003-2015 đã là 10,2%/năm. Trong đó, số lượng các doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng mạnh, từ 55.236 doanh nghiệp năm 2002 lên 495.826 doanh nghiệp năm 2015 với nhiều loại hình đa dạng.
Trong đó, số hộ kinh doanh phi nông nghiệp tăng nhanh từ 2,6 triệu hộ lên 4,6 triệu hộ ở cùng thời kỳ. Tổng doanh thu của doanh nghiệp tư nhân từ năm 2007 đến năm 2015 tăng 4,4 lần, từ 3,5 triệu tỷ đồng năm 2007 lên 15,5 triệu tỷ đồng năm 2015.
“Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo việc làm cho trên 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ và đánh giá đúng hơn. Thời gian qua, kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng và chuyển dịch kinh tế, giúp tăng thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển…”, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bình, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII họp vào đầu tháng 5 sắp tới sẽ tạo ra bước phát triển mới cho kinh tế tư nhân Việt Nam. Với việc ban hành Nghị quyết về vấn đề này, việc phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, hướng đến những mục tiêu hết sức cụ thể.
“Kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong GDP sẽ góp phần không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ./.
Theo Nguyễn Quỳnh - Việt Hà (VOV.VN)