Triều Tiên tìm kiếm giúp đỡ của ASEAN
Triều Tiên đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm ngăn chặn nguy cơ một cuộc "thảm sát hạt nhân" sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo về khả năng một cuộc xung đột lớn xảy ra trên bán đảo Triều Tiên nếu ngoại giao thất bại.
Các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là một trong những nguyên nhân đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang.
Trong lá thư gởi tới Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Ngoại trưởng Triều Tiên viết rằng, những hành động và đe dọa của Mỹ đang đẩy khu vực đứng trước "bờ vực chiến tranh".
Các cuộc tập trận thường niên Mỹ-Hàn tổ chức ở Hàn Quốc đã đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên vượt ngoài tầm kiểm soát. Và một điều rõ ràng mà ai cũng dễ nhận thấy, đó là một khi Mỹ và Hàn Quốc triển khai các phương tiện tấn công hạt nhân, nó có thể đẩy bán đảo Triều Tiên rơi vào một cuộc "thảm sát hạt nhân" chỉ trong vài giây.
Trong thư, Triều Tiên cũng giải thích rằng những nỗ lực của nước này trong việc phát triển vũ khí hạt nhân chỉ là một phương tiện dùng để đối phó Mỹ.
Lá thư của Bình Nhưỡng được gởi tới Tổng thư ký ASEAN ngay trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 tổ chức tại Manila (Philippines).
Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Tổng thư ký ASEAN thông báo với ngoại trưởng 10 nước thành viên của khối về tình hình đáng lo ngại hiện nay trên bán đảo Triều Tiên và có một đề xuất hợp lý nhằm duy trì hòa bình trên bán đảo.
Lá thư kêu gọi giúp đỡ của ASEAN đối với Bình Nhưỡng được đưa ra giữa bối cảnh căng thẳng đang leo thang tại khu vực. Ngay trong tuần này, Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở Pocheon, với sự tham gia của hàng chục xe tăng và máy bay chiến đấu. Cuộc tập trận diễn ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên tổ chức tập trận ở Wonsan.
Mỹ cũng phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III để chứng tỏ năng lực hạt nhân của mình. Mỹ còn triển khai tàu ngầm hạt nhân có tên lửa dẫn đường tới Hàn Quốc, trong khi một nhóm tàu chiến đấu do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đã tiếp cận khu vực tiềm ẩn nguy cơ xung đột này.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc còn nói rằng Mỹ có kế hoạch tiếp tục triển khai các vũ khí chiến lược tới nước này.
Trong khi Mỹ tiếp tục theo đuổi "hòa bình" bằng việc tăng cường lực lượng quân sự ở khu vực, Trung Quốc và Mỹ lại kêu gọi một giải pháp hòa bình.
Bắc Kinh đang nỗ lực gây sức ép Triều Tiên không tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vì nó có thể là nguyên nhân dẫn tới hành động đáp trả của Mỹ, tương tự như những gì Washington đã làm ở Syria. Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, Trung Quốc đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành một vụ thử hạt nhân mới.
Trung Quốc từng ban hành lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên và cũng cảnh báo khả năng ban hành lệnh giới hạn vận chuyển dầu sang Triều Tiên.
Trong khi đó, tại cuộc gặp gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước liên quan tới những vấn đề của khu vực nên kìm chế những ngôn từ mang tính chất răn đe và theo đuổi hòa bình, đối thoại mang tính xây dựng" - Tổng thống Putin phát biểu sau cuộc gặp với ông Abe tại Điện Kremlin.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh tới sự cần thiết phải khôi phục đàm phán 6 bên để giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên.
"Chúng ta nên tận dụng mọi nỗ lực ngoại giao và mọi khả năng có thể của luật pháp quốc tế mà chúng ta đang có sẵn" - bà Zakharova nói.
Đàm phán 6 bên gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga đã bị đổ vỡ năm 2008 sau một vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Mục tiêu của cuộc đàm phán đa phương này là nhằm thực thi phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.
Hồng Hà (Theo RT)