Xã anh hùng vững bước đi lên
45 năm sau ngày giải phóng, phát huy truyền thống hào hùng, xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) chuyển biến mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, KT-XH ngày càng phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.
Là căn cứ địa cách mạng quan trọng của huyện Phù Mỹ trong kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh ở xã Mỹ Thọ diễn ra rất khốc liệt. Quân địch lập nhiều đồn bót, tổ chức truy quét, bắn phá dữ dội. Với sự đoàn kết một lòng tin theo Đảng, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Mỹ Thọ đã tổ chức đánh thắng nhiều trận, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Ngày 26.4.1972, sau khi những tên lính cuối cùng ở đồn Gò Mang tháo chạy, Mỹ Thọ hoàn toàn được giải phóng. Những địa danh: Hòn Đụn, Ngã tư Chánh Trực... đi vào lịch sử Đảng bộ huyện như những mốc son chói ngời, thể hiện tinh thần quật khởi của quân và dân Mỹ Thọ.
Bến thuyền Mỹ Thọ.
Toàn xã có 664 liệt sĩ, trên 1.200 thương bệnh binh, 120 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; được tặng thưởng trên 2.500 Huân huy chương và Bằng khen, 3 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Thọ vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đoàn kết một lòng, cần cù, năng động xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Ông Trương Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, cho biết: “Xác định phát triển kinh tế nông-ngư nghiệp là thế mạnh, trong những năm qua, xã đã chỉ đạo, lãnh đạo nông dân tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân”.
Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài đầu tư thâm canh ổn định diện tích 1.250 ha lúa hàng năm với năng suất, sản lượng ngày càng cao, Mỹ Thọ còn sản xuất 120 ha cây màu các loại, mang lại giá trị thu nhập cao, đạt 125 triệu đồng/ha canh tác/năm. Đặc biệt, Mỹ Thọ chú trọng sản xuất những sản phẩm mang thương hiệu riêng để nâng cao giá trị và thu nhập trên ha canh tác, như nếp 3 tháng Bàu Chánh Trạch, hành hương Mỹ Thọ, bí đao khổng lồ...
Về thủy sản, hiện toàn xã có 295 tàu thuyền với tổng công suất 23.478 CV, trong đó có nhiều tàu có công suất lớn, vươn khơi bám biển dài ngày với sản lượng đánh bắt năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2016, sản lượng đánh bắt của xã đạt 17.200 tấn.
Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ bổ trợ cho sản xuất nông-ngư nghiệp cũng phát triển theo hướng phù hợp và bền vững, như nghề sơ chế sản phẩm đông lạnh, chế biến nước mắm, sản xuất nước đá, sơ chế hàng nông sản và một số ngành tiểu thủ công nghiệp. Từ đó thành lập các tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, ngư nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 32 triệu đồng/năm.
Về Mỹ Thọ nhân dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng xã nhà, đi trên những con đường bê tông rộng rãi, thẳng tắp, chúng tôi cảm nhận rõ sự “thay da đổi thịt” của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Những cánh đồng hoang hóa, đầy hố bom đạn được thay bằng một màu xanh mướt, ngút ngàn của lúa, của hoa màu. Những công trình điện, thủy lợi, bến xe, chợ, trường học được đầu tư xây dựng khang trang, tạo nên một diện mạo mới đầy sức sống. Đời sống của người dân cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đến nay có 93% dân nông thôn Mỹ Thọ dùng nước hợp vệ sinh; 96,8% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 12/12 thôn đạt chuẩn văn hóa cấp huyện; hộ nghèo còn gần 11%.
Ông Trương Ngọc Hoàng cho biết thêm: Tiến trình xây dựng và phát triển của địa phương những năm gần đây gắn liền với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nhờ sự đồng lòng, chung sức của nhân dân trong xã, đến nay Mỹ Thọ đã đạt được 13/19 tiêu chí. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều công trình phục vụ sản xuất và dân sinh được đầu tư xây dựng, phát huy tác dụng. Mới đây, bến cá Tân Phụng được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại với kinh phí trên 20 tỉ đồng, sắp sửa đi vào hoạt động, sẽ là tiền đề để kinh tế Mỹ Thọ phát triển đi lên trong thời gian tới.
THANH TRỌN - XUÂN LỘC