Ngày mới ở Tây Thuận
42 năm sau ngày giải phóng, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) có nhiều thay đổi tích cực. Ðời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người toàn xã gần 30 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 7,1%.
Một góc nông thôn Tây Thuận hôm nay.
Tây Thuận là xã trung du miền núi, nằm về phía Tây Bắc huyện Tây Sơn, có quốc lộ 19 và trục tỉnh lộ lên huyện Vĩnh Thạnh; là điểm nút sống còn của địa bàn chiến lược Quy Nhơn - Tây Nguyên, nên trong kháng chiến chống Mỹ địch tập trung ở đây một lực lượng quân sự khá lớn để đánh phá nhằm tạo bàn đạp đánh chiếm vùng đồng bằng và chi viện cho chiến trường Tây Nguyên; địch đã biến nơi đây thành một vùng đất trắng.
Với truyền thống yêu nước, nhân dân Tây Thuận đã kiên cường bám trụ, ra sức chiến đấu bảo vệ quê hương. Sau ngày giải phóng (1975) nhân dân bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại quê hương. Bây giờ, những con đường đất đỏ “nắng bụi mưa bùn” đã được thay bằng những con đường bê tông thẳng tắp, khang trang; những ngôi nhà mái lá đã được thay bằng nhà ngói, nhà mái bằng...
Theo ông Phạm Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy xã Tây Thuận, tuy thành tựu đạt được còn khiêm tốn, nhưng với một vùng quê bán sơn địa như Tây Thuận thì thành quả đó là rất đáng khích lệ. Đảng bộ và chính quyền địa phương và nhân dân đã nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Hiện toàn xã bê tông được 20km đường giao thông liên thôn, liên xã; hệ thống thủy lợi được sửa chữa, nâng cấp, xây mới đảm bảo phục vụ tưới tiêu sản xuất. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, xã đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung 43 ha, xây dựng cánh đồng mẫu lớn trồng lúa 60 ha ở thôn Tiên Thuận; xây dựng cánh đồng lớn trồng mía 30 ha, quy hoạch vùng nguyên liệu mía khoảng 150 ha sản xuất theo quy trình cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch. Người dân đã biết khai thác tiềm năng, lợi thế và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để làm giàu, đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn khá nhộn nhịp, nhiều cửa hàng, cửa hiệu mọc lên ngày một nhiều; chợ cầu 16, chợ Tiên Thuận đang từng bước hoàn thiện xây dựng để phục vụ nhu cầu giao thương của người dân.
Các doanh nghiệp trên địa bàn xã, trong đó có các doanh nghiệp ở cụm công nghiệp cầu 16 hoạt động kinh doanh có hiệu quả, đã góp phần tạo cho bộ mặt nông thôn Tây Thuận khởi sắc mạnh mẽ. Những khó khăn sau chiến tranh nhanh chóng được đẩy lùi vào dĩ vãng, để hôm nay Tây Thuận vững bước đi lên.
HOÀNG CHI