Nỗi buồn con heo!
Những ngày gần đây, người chăn nuôi heo ở Bình Định và nhiều nơi trong cả nước như đang đứng trên đống lửa khi giá heo hơi đã xuống thấp dưới giá thành hàng chục ngàn đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại trong những ngày tới.
Hãy hình dung, cứ với mỗi một con heo xuất chuồng người nuôi thua lỗ trên hàng chục ngàn đồng như vậy, thì nhà chuồng hàng trăm hàng ngàn con heo sẽ lỗ hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng sau một chu kỳ nuôi khoảng 4 tháng. Chỉ tính riêng một huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là “thủ phủ nuôi heo” của Bình Định, có số lượng heo xuất chuồng hàng nửa triệu con một năm thì mới thấy mức độ thiệt hại của người chăn nuôi ở đây là… vô cùng lớn!
Với người chăn nuôi đàn heo là gia tài, cũng là sinh kế của họ. Nuôi heo thua lỗ cũng có nghĩa là họ không có thu nhập, tài sản mất dần và nguy cơ tay trắng là hiện hữu. Hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội đã, đang và sẽ nảy sinh cùng với đà “tuột dốc không phanh” của giá heo hơi trong gần một năm qua. Có lẽ sức chống chịu của người nuôi heo ở Bình Định cũng như cả nước đã tới “ngưỡng” của giới hạn và có lẽ đã… “hết chịu nổi” rồi.
Trong khi đó, thực tế ngành chăn nuôi heo lại đang tồn tại một điều hết sức nghịch lí. Đó là trong khi giá heo hơi rớt thê thảm thì giá thịt heo bán ở các chợ vẫn ở mức cao như thời điểm heo hơi được bán ở mức gấp đôi hiện nay. Điều bất hợp lý này đã và đang khiến người chăn nuôi và người tiêu dùng bị thiệt thòi còn các khâu trung gian như thương lái thì lại hưởng siêu lợi nhuận(!).
Trước tình hình này, vừa qua Bộ NN&PTNT đã phải kiến nghị Chính phủ các nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ cứu người chăn nuôi như: Dừng hoạt động nhập khẩu thịt heo về Việt Nam theo hình thức tạm nhập, tái xuất nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm trong nước; tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh áp dụng các biện pháp công nghệ và quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi; đàm phán tìm thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi; khoanh giãn nợ cho người chăn nuôi…
Tuy nhiên, có lẽ đây cũng mới chỉ là biện pháp tạm thời, chỉ mang tính tình thế trong thời gian ngắn mà thôi. Vấn đề đặt ra có tính căn cơ phải là việc làm thế nào để những người nuôi heo không lâm vào nghịch cảnh như hiện nay thì ngành chăn nuôi mới có thể phát triển bền vững.
Theo đó, trong phát triển chăn nuôi cần có sự tính toán trong việc quy hoạch đàn, quy hoạch vùng cho phù hợp với thực tế, có tính dự báo lâu dài. Đồng thời, phải xây dựng chuỗi liên kết, hệ thống phân phối hiệu quả nhằm giảm bớt khâu trung gian, kết nối thị trường với vùng nuôi. Đặc biệt là cần phải có giải pháp mang tính đột phá trong xây dựng chiến lược cho ngành chăn nuôi một cách bài bản để sản phẩm đủ sức cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu trong bối cảnh sản xuất trong nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thị trường thế giới.
Nếu không làm được điều đó thì có lẽ những nghịch cảnh nói trên vẫn sẽ không thể được hóa giải. Và như thế, cái điệp khúc “được mùa rớt giá” và những câu chuyện “giải cứu” vẫn còn tiếp diễn dài dài và phần thua thiệt vẫn thuộc về người nông dân.
H.Ð